Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, đi cùng với sự tăng trưởng đó chính là khả năng mắc bệnh của tôm rất cao và nguy hiểm như bệnh gan tụy cấp tính, đầu vàng, đốm trắng,… xuất hiện và đe dọa trầm trọng đến sự phát triển của ngành nuôi tôm, gây thiệt hại đến năng suất và chất lượng đầu ra của tôm.
Các bệnh mà tôm thẻ chân trắng thường gặp phải
1. Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS)
Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) còn gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome – AHPNS / Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất cho tôm và là nỗi lo lắng rất lớn cho bà con khi khả năng thiệt hại cực kì cao nếu tôm mắc phải:
- Nguyên nhân gây ra bệnh chết sớm trên tôm chủ yếu là do vi khuẩn Vibrio gây ra.
- Dấu hiệu của bệnh: Khi tôm bị nhiễm bệnh EMS thường có biểu hiện gan sưng to rồi dần teo lại, tôm có dấu hiệu bỏ ăn, còi cọc, gan tụy bị nhũn. Tôm có thể nhiễm bệnh trong suốt quá trình nuôi, thường dễ mắc bệnh nhất là ở giai đoạn 10 – 45 ngày sau khi thả nuôi. Tỷ lệ chết khá cao, có thể chết hơn một nửa hoặc cả ao nuôi.
Bệnh EMS trên tôm
2. Bệnh đốm trắng (White Spot Syndrome Virus – WSSV)
Bệnh đốm trắng (White Spot Syndrome Virus – WSSV) trên tôm do Whispovirus thuộc họ mới là Nimaviridae gây ra. Trong một số trường hợp có tác nhân phụ là do nhiễm khuẩn và môi trường thay đổi đột ngột gây ra hiện tượng chết hàng loạt.
Dấu hiệu bệnh lý:
- Tôm nhiễm bệnh thường biểu hiện bỏ ăn, bơi lờ đờ, chết tấp mé.
- Quan sát bên ngoài tôm thường chuyển màu đỏ hồng, phần giáp đầu ngực và thân tôm thường xuất hiện các đốm trắng li ti.
- Quan sát bên trong khối gan tụy của tôm thường chuyển sang màu cam hoặc nâu nhạt, số lượng tế bào lipit giảm mạnh làm cho cấu trúc gan tụy bị nhũn, tích nước và dễ vỡ. Đường ruột và bao tử tôm trống hoặc có rất ít thức ăn.
- Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, khi gió Bấc bắt đầu thổi, thường kéo dài từ tháng 9 đến đầu tháng 3 năm sau. Bệnh thường gây ra tỷ lệ chết rất cao (80-100%) trong vài ngày kể từ khi bùng phát bệnh.
Trong các bệnh phổ biến trên tôm thẻ chân trắng thì bệnh đốm trắng là một loại bệnh có thể xem như sát thủ số 1 của tôm. Loại bệnh này có thể làm tôm chết hàng loạt chỉ sau từ 3 – 10 ngày kể từ khi tôm bị nhiễm bệnh.
Bệnh đốm trắng trên tôm
3. Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome)
Bệnh phân trắng hay còn gọi là Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome) trên tôm mặc dù không nguy hiểm bằng so với các loại bệnh khác như bệnh đốm trắng hay EMS, nhưng nếu không phát hiện ra và chữa trị kịp thời thì vẫn có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế cho bà con nuôi tôm.
Bệnh phân trắng trên tôm
Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Tảo độc, tảo hại.
- Nấm mốc.
- Song bào trùng gregarine.
- Sự biến đổi, bong tróc của các tế bào biểu mô của ống gan tụy (Vermiform)
- Vi bào tử trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP)
- Vi khuẩn Vibrio trên tôm
Đây là loại bệnh xuất hiện vào giai đoạn khi tôm được khoảng 50 – 60 ngày tuổi với các biểu hiện như đục thân, ruột rỗng, gan có màu trắng và teo lại. Tôm biếng ăn, chậm lớn và phân có màu trắng. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết giao giữa mùa khô và mùa mưa, tỷ lệ chết lên tới khoảng 50%.
4. Hội chứng Taura (TSV)
Hội trứng Taura (TSV) trên tôm thẻ xuất hiện lần đầu tiên tại Ecuador, nguyên nhân chính là do Virus Taura Syndrome thuộc giống Piconavirus gây ra. Bệnh có 3 giai đoạn cảm nhiễm, chuyển tiếp và mãn tính rõ rệt.
Hội chứng Taura trên tôm
Ở giai đoạn cảm nhiễm tôm có dấu hiệu lờ đờ, đuôi chuyển sang màu đỏ và hoại tử. Ngoài ra, ruột tôm rỗng không có thức ăn, mềm vỏ, ảnh hưởng đến quá trình lột vỏ của tôm. Trong các giai đoạn chuyển tiếp, tôm xuất hiện thêm các đốm đen trên biểu bì. Bệnh có thể lan truyền nhanh chóng theo chiều ngang và có khả năng truyền bệnh theo chiều dọc.
Hội chứng Taura trên tôm (TSV) do Picornavirus gây ra, bệnh có tính chất rất nguy hiểm và lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh cao, có thể gây chết tôm trên diện rộng nếu dịch bệnh không được ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời. Bệnh Taura thường gặp ở tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn từ 14 – 45 ngày tuổi, trọng lượng tôm dao động từ 0,05g – 7g/con.
Virus ký sinh trên tế bào biểu mô tôm, giai đoạn đầu tập trung ở biểu mô đuôi. Tôm thẻ chân trắng là một trong những loài tôm hay gặp hội chứng này do quy mô nuôi công nghiệp với mật độ cao ngày càng gia tăng.
5. Bệnh đầu vàng (Yellowhead disease – YHD)
Bệnh đầu vàng cũng là một trong các bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng, bệnh thường xuất hiện trong khoảng thời gian giao mùa, đặc biệt ở những vùng nuôi tôm ven biển với độ mặn cao. Nguyên nhân chính gây bệnh do virus hình que gây ra.
Bệnh đầu vàng trên tôm
Tác nhân gây bệnh đầu vàng là Yellowhead virus (YHV) và Gill-associated virus (GAV). YHV là một loại virus hình que kích thước khoảng 44 x173 nm. Nhân của virus có đường kính gần 15 nm, chiều dài khoảng 800 nm. Virus gây bệnh YHD là virus ARN thuộc Họ Roniviridae, có đặc điểm gần giống họ Rhabdoviridae hoặc nhóm virus dạng sợi của họ Paramyxoviridae.
Bệnh đầu vàng thuộc nhóm các bệnh phổ biến do virus gây ra ở một số loài tôm như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, …. Tôm mắc bệnh đầu vàng có tỷ lệ chết rất cao, nặng có thể đạt mức gần như toàn bộ ao tôm, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng với bà con.
Khi bị bệnh, tôm phát triển rất nhanh và ăn nhiều hơn mức ăn bình thường. Sau một vài ngày tôm dừng ăn từ 1- 2 ngày rồi chết trôi dạt gần bờ.
6. Bệnh hoại tử cơ, trắng đuôi, cong thân, đục cơ
Nguyên nhân gây bệnh: Nhiều nghiên cứu đã xác định nguyên nhân gây bệnh đục cơ trên tôm thẻ chân trắng là do tôm nhiễm vi bào tử trùng (Microsporidian), hay virus (IMNV, PvNV), nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio (bệnh trắng đuôi do Vibrio Harveyi được đặt tên là “bệnh trắng đuôi do vi khuẩn” (BWTD – Bacteria White Tail Disease).
Tôm bị hoại tử cơ
Dấu hiệu nhận biết: phần cơ ở các đốt hay cơ đuôi hoặc toàn thân có màu trắng hay đục và có dấu hiệu hoại tử.
- Cong thân và đục cơ: Trong quá trình nhấc nhá (sàn, vó) hay chài kiểm tra tôm vào lúc nhiệt độ cao, tôm thẻ chân trắng nhảy lên và búng mạnh gây ra tình trạng cong thân. Sau khi được thả trở lại ao, tất cả tôm cong thân đều sẽ chết vì không có khả năng tự duỗi thẳng.
- Đục cơ do hàm lượng oxy thấp: Nếu không lắp đủ các dàn quạt nước, lượng oxy trong nước ao nuôi sẽ thấp. Khi hàm lượng oxy xuống thấp hơn thì hầu hết tôm có dấu hiệu mô cơ trở nên trắng đục.
Bệnh ở tôm thẻ chân trắng – Tôm bị hoại tử cơ
Cách phòng trị bệnh: Hiện chưa có biện pháp chữa trị mà chủ yếu cần phòng bệnh tổng hợp, chú ý các nguyên nhân gây bệnh chủ quan và hạn chế.
7. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV)
Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô hay còn gọi là bệnh IHHNV là bệnh do Infectious Hypodermal and hematopoietic Necrosis Virus (IHHNV) gây ra.
Tôm bị hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô.
Dấu hiệu nhận biết: Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng giảm từ 10 – 30%, các phụ bộ ở phần đầu ngực bị biến dạng, vỏ thô ráp và râu quăn, còi cọc.
Cách phòng trị bệnh: Tiệt trùng trứng và ấu trùng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả tại các trại sản xuất giống.
8. Bệnh đốm đen
Bệnh đốm đen hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn (NHPB) do vi khuẩn NHPB (Necrotizing Hepatopancreatitis Bacterium). Bệnh do vi khuẩn gây ra khác hoàn toàn với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính EMS AHPNS.
Tôm bị đốm đen
Dấu hiệu nhận biết: Tôm thẻ chân trắng bệnh trên thân xuất hiện nhiều đốm đen nhỏ hoặc mảng lớn, mang màu tối hoặc đen, đuôi mỏng. Có thể có những tổn thương phụ bộ như mòn đuôi và vảy râu, cụt râu…
Cách phòng trị bệnh: Tương tự với các biện pháp phòng bệnh chung đối với bệnh do vi khuẩn. Diệt khuẩn kỵ khi cải tạo ao, đánh giá mật số vi khuẩn gây bệnh bằng biện pháp đơn giản nhất là dùng đĩa thạch TCBS agar (MP – BIOTEST). Kiểm tra chất lượng tôm giống bằng kỹ thuật PCR.
9. Bệnh tôm thủy tinh (TPD) | Bệnh ấu trùng mờ trên tôm
Bệnh tôm thủy tinh hay còn gọi là bệnh ấu trùng mờ (Translucent post-larva disease – TPD), hoặc còn được gọi với cái tên khoa học hơn là Hội chứng thủy tinh hóa do vi khuẩn (Bacterial vitrified syndrome – BVS). Bệnh này đặc trưng bởi đặc điểm bệnh ký như khối gan tụy và đường tiêu hóa nhợt nhạt hoặc mất màu.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Vibrio spp. có thể là mầm bệnh chính. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những thay đổi nào đã xảy ra trong hệ vi sinh vật môi trường và đường tiêu hóa trong thời gian bệnh xuất hiện. Vì vậy, điều cần thiết là khám phá các dấu hiệu vi khuẩn trong nước ao và ruột tôm bị bệnh từ góc độ vi sinh thái để hiểu sâu hơn về căn bệnh này.
Nghiên cứu gần đây nhất của Peng Yu và cộng sự (2022) đã đánh giá các triệu chứng, dấu hiệu vi khuẩn đường ruột của tôm PL bị bệnh với đặc điểm mờ và quần thể vi khuẩn tương ứng trong nước ao, đồng thời thảo luận về mối tương quan giữa những thay đổi của hệ vi sinh vật và bệnh.
Nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn đã chỉ ra rằng Bệnh tôm thủy tinh (TPD) | Bệnh ấu trùng mờ gây ra bởi dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và gây thiệt hại 70 – 80% trại giống ở vùng ven biển Trung Quốc vào mùa xuân 2020. Các nghiên cứu đã xác định là chủng Vibrio parahaemolyticus (Vp-JS20200428004-2) có độc lực cao gây ra bệnh này, và chủng này được đặt tên tắt là VpTPD.
VpTPD gây chết nhiều ở tôm post giai đoạn 4 – 7 ngày tuổi (PL4 – 7). Tỷ lệ chết của tôm nhiễm bệnh rất cao, lên đến 100% trong 3 ngày.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17 | Email: labvn.net@gmail.com
LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản