Thủy sản là một trong những ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong đó, nghề nuôi tôm được xem là đầu tàu, chiếm sản lượng lớn nhất trong số tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Điều đó cho thấy vai trò của nghề nuôi tôm ở nước ta là cực kì quan trọng. Vậy nuôi tôm là nghề gì? Hiện nay nghề nuôi tôm phát triển mạnh nhất ở đâu? Vùng nuôi tôm lớn nhất nước ta là khu vực nào?
1. Nuôi tôm là nghề gì và lịch sử về nghề nuôi tôm?
Nuôi tôm là ngành nông nghiệp đã xuất hiện từ lâu đời với mục đích phục vụ cho nhu cầu của con người. Ngược về lịch sử, nghề nuôi tôm được bắt đầu từ cuối những năm 1930 do tiến sĩ Fujinaga kích thích sinh sản cho tôm he Nhật Bản.
Nghề nuôi tôm
Sau đó, cùng với sự nghiên cứu theo thời gian, công nghệ nuôi tôm của Nhật Bản đã được chuyển giao cho các nước khác ở Châu Á và Châu Mỹ vào những năm 1970 với tốc độ phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Tây Âu,…
2. Vai trò của nghề nuôi tôm đối với sự phát triển kinh tế của cả nước?
Nghề nuôi tôm từ lâu đã trở thành một trong những nghề mũi nhọn khá phát triển ở nước ta bởi lẽ tôm là loài mang nhiều chất dinh dưỡng, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.
Chính sự phát triển của nghề nuôi tôm đã góp phần hình thành và thực hiện quá trình đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, hình thành cơ chế thị trường.
Từ một lĩnh vực sản xuất truyền thống thành một ngành sản xuất hiện đại. Biến tiềm năng thiên nhiên thành của cải vật chất, xây dựng lợi thế về xuất khẩu để đưa nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Đặc biệt là nghề nuôi tôm đã giúp đời sống của người nông dân khả quan hơn, giải quyết được nhu cầu lao động ở vùng quê, tạo sự cân bằng xã hội giữa vùng nông thôn và thành thị.
3. Thực trạng tình hình ngành nuôi tôm ở nước ta hiện nay
Từ những năm 90 cho đến hiện tại, ngành nuôi tôm đã góp rất nhiều công sức cho nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân.
Cùng với sự chuyển mình từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghiệp, nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đã ra đời với các công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế phục vụ cho việc xuất khẩu, tiếp cận thị trường nước ngoài một cách dễ dàng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, song song với cơ hội phát triển chính là những thách thức nước ta phải đối mặt, chẳng hạn như:
- Giá nguyên liệu đầu vào quá cao
- Chất lượng tôm giống thấp
- Nuôi tôm manh mún, kỹ thuật nuôi thấp
- Giá thức ăn tôm không ổn định
- Cạnh tranh không lành mạnh
Cơ hội phát triển của nghề nuôi tôm Việt Nam
Để khắc phục những khó khăn này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được những phương pháp rất hữu ích cho người nuôi tôm để giảm thiểu phần nào những rủi ro và trở ngại trong ngành này. Cụ thể:
- Cần có chiến lược phát triển lâu dài để chủ động nguồn tôm
- Cần hoàn thiện qui hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp
- Xây dựng quy trình nuôi tôm chuẩn
- Bình ổn giá cả của mặt hàng thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu chi phí cho người dân
- Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu cần kêu gọi thêm vốn đầu tư để phát triển công nghệ tiên tiến, tiếp cận công nghệ của quốc tế, tạo công ăn việc làm cho lao động
3.1. Diện tích nuôi tôm ở Việt Nam đang dần phát triển
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, diện tích đất có thể nuôi tôm khá lớn khoảng 700.000 ha, sự hoạt động ổn định của các nhà máy chế biến để phát triển ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.
Dẫn đầu về diện tích nuôi tôm cả nước là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đây là điều không quá bất ngờ bởi lẽ các điều kiện về thời tiết, khí hậu cũng như đất đai chính là yếu tố góp phần giúp vùng này phát triển thuận lợi cho việc nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thuỷ sản nói chung.
Mở rộng diện tích nuôi tôm
Ngoài ra thì ở miền Đông Nam Bộ và khu vực phía Bắc cũng bắt đầu có những tín hiệu khả quan về nghề nuôi tôm khi diện tích ngày càng được mở rộng, mức độ quan tâm và đầu tư của người dân về nghề này cũng rất cao.
3.2. Việc mở rộng diện tích nuôi tôm mang lại những lợi ích gì cho người nuôi?
Hiện nay, các địa phương đang từng bước mở rộng diện tích nuôi tôm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Trong năm 2021, thực hiện mục tiêu chuyển đổi để đáp ứng với biến đổi khí hậu cũng như đối mặt với dịch bệnh, các huyện ven biển Tiền Giang đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang tính hàng hoá lớn, ứng dụng các công nghệ khoa học tiên tiến cho năng suất, sản lượng cao nhất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại đây, người dân đang nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh,…góp phần giải quyết vấn đề lao động cho địa phương.
Hàng năm, đầu vụ sản xuất bà con đều được cán bộ kỹ thuật tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, cải tạo ao,…
Nhờ nghề nuôi tôm, từ chỗ nghèo khó, người dân đã có được cuộc sống thoải mái hơn, không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng gánh như xưa mà có thể tập trung sáng tạo, nuôi trồng và phát huy tiềm năng của mình.
4. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm phát triển mạnh nhất ở vùng nào?
4.1. Sự phát triển của nghề nuôi tôm ở khu vực phía Nam
Ngành tôm ở phía Nam có rất nhiều “điểm sáng” trong tương lai nhờ sự đóng góp của khu vực ĐBSCL và của khu vực Đông Nam Bộ. Các vùng này được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều điều kiện thuận lợi để hành nghề nuôi tôm. Lợi thế về địa hình và khí hậu đã giúp miền Nam có được những thành tựu nhất định trong việc nuôi tôm xuất khẩu.
Tổng hợp những vùng nuôi tôm lớn nhất nước ta
4.1.1. Nghề nuôi tôm ở khu vực Đông Nam Bộ
Ở Đông Nam Bộ, các địa phương đang mạnh tay áp dụng các công nghệ cao trong nuôi tôm. Việc này nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro, đồng thời đem lại nguồn thu lớn cho người nuôi…
4.1.1.1. Nuôi tôm ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh BRVT, trên địa bàn hiện có khoảng 7107 ha đất nuôi tôm, trong đó có 18 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hình thức nuôi chủ yếu là trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng.
Công nghệ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh với mật độ nuôi 250-500 con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy có thể nuôi được từ 3-5 vụ/năm.
Mô hình nuôi tôm hiện đại ở Vũng Tàu
Với phương pháp nuôi tôm công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nên không bị lệ thuộc tính mùa vụ.
Đặc biệt, nuôi tôm công nghệ cao có khả năng kiểm soát dịch bệnh giảm thiểu rủi ro về chi phí và đầu ra cho người nuôi.
Việc áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã bước đầu mang lại tín hiệu khả quan. Trong tương lai, Chi cục Thủy sản tỉnh BRVT sẽ tiếp tục truyên truyền, tập huấn cho bà con nông dân nuôi tôm công nghệ cao.
4.1.1.2. Nuôi tôm ở Đồng Nai
Đồng Nai có khoảng hơn 6631 ha diện tích nuôi tôm. Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm tại Nhơn Trạch đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.
Tôm được nuôi siêu thâm canh theo công nghệ C.P và công nghệ nhà màng, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nuôi tôm siêu thâm canh ở Đồng Nai
Để hỗ trợ nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ C.P, địa phương mạnh tay đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP; tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con nuôi tôm,…
Từ đó thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện về đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhằm khai thác hết giá trị, tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương.
4.1.2. Sự phát triển của nghề nuôi tôm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long
ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để phát triển nuôi tôm như diện tích đất đai lớn có thể phát triển, khả năng tăng năng suất và sản lượng cao, nguồn giống và nguyên liệu đa dạng, nguồn lao động nhiều và có kinh nghiệm làm nông, nuôi trồng.
4.1.2.1. Nuôi tôm ở Cà Mau
Cà Mau có diện tích nuôi tôm rất lớn, khoảng 205.300 ha. Vì vậy, để có hướng đi bền vững, tỉnh này đã ban hành văn bản về quy định điều kiện nuôi tôm trên địa bàn. Khi nuôi, người dân phải đáp ứng đủ các điều kiện của cơ quan chức năng quy định thì mới được phép thả nuôi.
Một trong các mô hình nuôi tôm được nhiều người dân ở Cà Mau áp dụng chính là mô hình quảng canh cải tiến theo hướng Vietgap, cho hiệu quả rất ổn định. Đây được coi là mô hình trọng tâm, ổn định lâu dài và có tiềm năng khai thác thêm trong tương lai.
Điểm nổi bật của mô hình này là tổ chức sản xuất và ý thức cộng đồng cao, quản lý được chất lượng nguồn nước từ đó giúp việc nuôi tôm thành công hơn.
Ngoài ra, mô hình nuôi quảng canh ít thay nước phù hợp với điều kiện của những hộ dân có ít đất. Bên cạnh đó, việc đầu tư chi phí thấp và dễ áp dụng cũng là điểm cộng của mô hình này.
4.1.2.2. Nuôi tôm Sóc Trăng
Với diện tích nuôi tôm khoảng 167.711 ha , Sóc Trăng một trong những tỉnh có quy mô nuôi tôm khá lớn. Gần đây, địa phương này đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả như: mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín, nuôi tôm 2-3 giai đoạn,….
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi các giống mới có giá trị kinh tế, thích ứng với sự biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất để nâng cao giá trị bền vững,
Bên cạnh đó, địa phương cần tập trung các hộ nhỏ lẻ lại với nhau một hợp tác xã, tổ hợp tác,…liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào gắn với giá trị tiêu thụ.
Đặc biệt nên chú trọng phối hợp với nhà nước, doanh nghiệp, nhà máy chế biến,…để nâng cao chất lượng sản phẩm và cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài.
4.1.2.3. Nuôi tôm ở Bạc Liêu
Diện tích nuôi tôm ở Bạc Liêu là 154.826 ha với mô hình chủ yếu được người dân Bạc Liêu áp dụng là nuôi tôm siêu thâm canh. Đặc điểm của mô hình này là tỷ lệ rủi ro rất thấp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian gần đây, một số hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tiếp cận, áp dụng thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ mới.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự chuyển đổi tự phát, có hộ thử nghiệm thành công nhưng cũng có hộ thất bại, đòi hỏi Bạc Liêu phải sớm tìm hiểu và chuyển giao mô hình.
Nuôi tôm siêu thâm canh trong hồ nổi
Qua nghiên cứu, thực nghiệm nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, tỉnh lựa chọn công nghệ nuôi hai giai đoạn của Cty Cổ phần CP Việt Nam. Mô hình nuôi này đang được các doanh nghiệp trên triển khai, nhân rộng ra, trung bình mỗi hộ áp dụng nuôi từ 1ha trở lên. Qua đánh giá sơ bộ, mô hình nuôi này kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường và mang lại năng suất cao.
4.1.2.4. Nuôi tôm ở Kiên Giang
Tỉnh Kiên Giang đầu tư nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa, triển khai đồng bộ giải pháp an toàn, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu của cả nước đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD.
Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác tôm – lúa để chuyển giao cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả.
Đây là “mô hình sản xuất thông minh”, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại lợi nhuận gấp đôi, thân thiện với môi trường. Địa phương đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất 2 mô hình “tôm – lúa quản lý cộng đồng” và “tôm lúa – quảng canh cải tiến” để nhân rộng, thay thế sản xuất tôm – lúa truyền thống.
Ngoài ra, việc đầu tư vốn cho người nuôi tôm và nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi tôm được chú trọng; ứng dụng các quy trình thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như GAP, GlobalGAP,…
4.1.2.5. Nuôi tôm ở Bến Tre
Với nhiều diện tích tiềm năng, khoảng 87.061 ha, Bến Tre đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành nuôi tôm. Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Bến Tre phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn
Các hệ thống sản xuất tôm nước lợ của tỉnh thời gian qua có sự phát triển mạnh theo hướng đa dạng về hình thức canh tác như: chuyên canh tôm, tôm – lúa, tôm – rừng và gia tăng mức độ thâm canh gồm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh, kéo theo sự tăng trưởng nhanh về năng suất cũng như giá trị sản xuất.
Để đẩy mạnh phát triển ngành tôm, khai thác tối đa tiềm năng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thiết phải xây dựng phương án phát triển ngành tôm tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phương án này là cơ sở cho việc tích hợp vào phương án quy hoạch nông nghiệp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4.1.2.6. Nuôi tôm ở Trà Vinh
Tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm trên 70.964 ha. Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cho biết, nhờ thời tiết, môi trường nước thuận lợi nên nông dân vùng ven biển tập trung thả tôm giống.
Hầu hết hộ nuôi tôm đều bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nên hạn chế thấp nhất về ô nhiễm môi trường nước, tránh được rủi ro về dịch bệnh trên tôm.
Tỉnh Trà Vinh cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trong tỉnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, áp dụng công nghệ hiện đại, để đảm bảo thu mua nguyên liệu tôm cho hộ nông dân trong tỉnh không còn đủ điều kiện neo ao, buộc phải thu hoạch.
4.2. Sự phát triển của nghề nuôi tôm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ
Vùng Duyên hải miền Trung trải dài trên 1.800km bờ biển, bao gồm 14 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000ha.
Đầu những năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu “bén duyên” ở nơi này, tuy nhiên, việc phát triển thời kỳ đầu chưa đem lại kết quả khả quan.
Đến khi áp dụng công nghệ nuôi mới như thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, công nghệ bioflocs… thì diện tích nuôi tôm mới phát triển mạnh.
4.2.1. Nuôi tôm ở Quảng Nam
Lần đầu tiên tại Quảng Nam, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai thành công, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Quảng Nam có diện tích nuôi tôm khoảng 18.122 ha, mô hình chủ yếu được người dân ở đây áp dụng là nuôi tôm lót bạt ít rủi ro, ít bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên, dễ kiểm soát dịch bệnh, xử lý nguồn nước và phát triển bền vững.
Quảng Nam định hướng nuôi tôm công nghệ cao
Thời gian qua, mô hình nuôi tôm thẻ trên ao lót bạt đã và đang phát triển rất nhanh với hình thức thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng các quy trình công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo môi trường không bị ảnh hưởng.
4.2.2. Nuôi tôm ở Phú Yên
Tỉnh Phú Yên có khoảng 11.205 ha diện tích nuôi tôm, địa phương này đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 nên các quy hoạch của tỉnh không còn hiệu lực. Thời gian tới, định hướng phát triển nuôi tôm hùm sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Các địa phương có nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh sớm triển khai, quản lý tốt quy hoạch, không để phát sinh nuôi tôm tự phát. Ngoài ra nên chủ động vận động, hướng dẫn thành lập các tổ cộng đồng, xem đây là đơn vị cơ sở quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản của địa phương, gắn trách nhiệm của tổ với công tác thống kê số liệu, quản lý dịch bệnh, môi trường các vùng nuôi,
4.2.3. Nuôi tôm ở Bình Thuận
Nuôi tôm trên cát tại Bình Thuận được đánh giá là đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nghề nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị xuất khẩu, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định.
Bình Thuận chỉ có khoảng 7.112 ha diện tích nuôi tôm, tuy nhiên trong thời gian qua đã có một số mô hình nuôi tôm trên cát tạo được bước đột phá về năng suất và sản lượng nuôi, với năng suất từ 10 – 14 tấn/ha/vụ, và có thể nuôi 2 – 3 vụ/năm.
Để nghề nuôi tôm trên cát ở địa bàn tỉnh phát triển bền vững, cần phải xem xét cẩn trọng, đặt lợi ích và mặt trái của mô hình lên bàn cân để tính toán.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương: Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, để có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi, đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên cát.
4.2.4. Nuôi tôm ở Quảng Ngãi
Một số mô hình mới nuôi tôm theo hướng bền vững hơn như sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi trong ao lót bạt vùng triều,… đã được áp dụng thử nghiệm tại Quảng Ngãi, đạt kết quả tốt, hiệu quả cao, nông dân có lãi.
Vì vậy để tăng năng suất nuôi tôm, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung tổ chức, hướng dẫn nông dân thử nghiệm nhiều mô hình nuôi tôm mới. Người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm của từng loại tôm, phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, mật độ thả hợp lý, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, cân bằng. Đặc biệt cần chú trọng đến khâu cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước…
4.3. Sự phát triển của nghề nuôi tôm ở miền Bắc
Những năm qua, miền Bắc đã dần bắt kịp xu hướng nuôi tôm của cả nước. Ở Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi tôm, từ một địa phương có diện tích nuôi tôm nhỏ, quy trình nuôi lạc hậu, đến nay, diện tích nuôi đã tăng lên 13.747 ha, trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở miền Bắc.
TP Móng Cái là địa phương đi đầu nuôi tôm của tỉnh. Những diện tích nuôi này đều được ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ nuôi tôm ba giai đoạn; nuôi ít thay nước; nuôi tuần hoàn nước; ứng dụng công nghệ vi sinh thay cho các sản phẩm kháng sinh,… Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng con tôm ở TP Móng Cái đã cải thiện qua từng năm.
Quảng Ninh bùng nổ nuôi tôm công nghệ
Không chỉ có ở Móng Cái, những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản chủ động về nguồn giống tôm, tuy nhiên năng suất nuôi chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, tiêu thụ còn yếu, tình trạng tự phát ở một số nơi vẫn còn, cơ sở thu mua, chế biến tôm chưa thật sự đem lại được hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao.
5. Kết luận
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 740.000 ha nuôi tôm, trong đó có 630.000 ha nuôi tôm sú và 110.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Để tăng năng suất, ngành nuôi tôm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm “quảng canh ao đất”, sang “thâm canh ao nổi lót bạt” và “siêu thâm canh ao nổi lót bạt”.
Dĩ nhiên số người thành công cũng đi đôi với số người thất bại, đó là tình trạng chung vì nuôi thâm canh và siêu thâm canh đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành, từ hóa học để xử lý nước, sinh học để nuôi vi sinh, nuôi tôm đến kiến thức kinh doanh, giao tiếp để biết trả giá mua thức ăn cho tôm, biết thương lượng để bán tôm.
Trong 20 năm phát triển ngành nuôi tôm thâm canh, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước lạc hậu trong lĩnh vực nuôi tôm mà tới nay đã là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới, chủ yếu nhờ vào việc sử dụng công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, nên có giải pháp thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô lớn mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu mới vào nuôi tôm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các địa phương có điều kiện phát triển nuôi tôm cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi nhằm phát triển xanh, bền vững.
Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong cung ứng và xử lý nguồn nước nhằm hạn chế tác động đến môi trường.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17 | Email: labvn.net@gmail.com
LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản
- Rhodopseudomonas palustris – Sức mạnh của vi khuẩn quang dưỡng trong thủy sản
- Men vi sinh tốt nhất cho cá cảnh – Men vi sinh Koika OBIO
- Tìm hiểu về dòng men vi sinh cao cấp cho hồ cá
- Lactobacilus acidophilus – Chế phẩm sinh học chống lại vi khuẩn Vibrio spp. trên Tôm
- Tổng hợp các loại Vitamin trong nuôi tôm và cách sử dụng