Vi khuẩn Vibrio là một trong những tác nhân gây bệnh nghiêm trọng cho tôm. Những bệnh này có thể gây chết tỷ lệ lên đến 100%, gây thiệt hại rất lớn cho nghề nuôi tôm và ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nghề nuôi tôm ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong thập kỷ qua.
1. Vi khuẩn Vibrio spp. là gì?
Vi khuẩn Vibrio là một chi của vi khuẩn Gram âm, sở hữu một hình dạng cong-que (dấu phẩy), một vài loài trong số đó có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, thường kết hợp với ăn hải sản chưa nấu chín. Thường được tìm thấy trong nước mặn, các loài vi khuẩn Vibrio là loài vi khuẩn kỵ khí thử nghiệm dương tính với chất oxy hóa và không hình thành bào tử.
Giống vi khuẩn Vibrio thuộc họ Vibrionaceae, bộ Vibrionales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria.. Đặc điểm chung các loài vi khuẩn Vibrio: Gram âm, hình que thẳng hoặc hơi uốn cong, kích thước 0,3-0,5 x 1,4-2,6 μm. Chúng không hình thành bào tử và chuyển động nhờ một tiên mao hoặc nhiều tiên mao mảnh.
Tất cả chúng đều yếm khí tuỳ tiện và hầu hết là oxy hoá và lên men trong môi trường O/F Glucose. Thiosulphate citrate bile salt agar TCBS là môi trường chọn lọc của Vibrio. Hầu hết các loài đều phát triển trong môi trường nước biển cơ bản, Na+ kích thích cho sự phát triển của tất cả các loài Vibrio và nhiều loài là nhu cầu tuyệt đối, chúng không phát triển trong môi trường không muối (NaCl), không sinh H2S.
Nhuộm tiên mao vi khuẩn Vibrio Cholerae (Nguồn: Wikipedia)
Chúng mẫn cảm với Vibriostat 2,4 diamino-6,7 diisopropyl pteridine phosphate (0/129). Cơ bản chúng đều sống trong môi trường nước, đặc biệt là nước biển và cửa sông, liên quan đến các động vật biển. một số loài là tác nhân gây bệnh cho người và động vật biển. Tương tự Aeromonas trong nước ngọt thì Vibrio ở trong nước biển. Tỷ lệ Guanin-G + Cytozin-C trong ADN là 38-51 mol%.
Hình thái khuẩn lạc các chủng Vibrio spp. trên môi trường chọn lọc
(A) Khuẩn lạc V. cholerae trên môi trường TCBS; (B) Khuẩn lạc V. parahaemolyticus trên môi trường TCBS; (C) Khuẩn lạc V. vulnificus trên môi trường TCBS; (D) Khuẩn lạc V. parahaemolyticus trên môi trường TSAT.
(Nguồn: thuysananhtuan)
Đối với cá, Vibrio spp gây bệnh nhiễm khuẩn máu là chủ yếu. Đối với tôm Vibrio spp gây bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin. Những loài gây bệnh cho động vật thuỷ sản là: V. alginolyticus; V. anguillarum; V. ordalii; V. salmonicida, V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus….:
- V. anguillarum; V. vulnificus gây bệnh nhiễm khuẩn máu cá trình
- V. salmonicida gây bệnh ở vùng nước lạnh.
- V. parahaemolyticus gây bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm sú.
- V. alginolyticus gây bệnh đỏ dọc thân ấu trùng tôm sú.
- V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus, V. anguillarum… gây bệnh đỏ thân ở tôm sú thịt, ăn mòn vỏ ở giáp xác, gây bệnh máu vón cục ở cua, gây bệnh ấu trùng nhuyễn thể.
2. Các bệnh do vi khuẩn Vibrio spp. gây ra trên tôm nuôi
Một số loài Vibrio đã được xác định là mầm bệnh chính, bao gồm V. parahaemolyticus và V. harveyi đã được mô tả là loài gây bệnh chính trên tôm. V. harveyi là một trong những tác nhân gây bệnh phát sáng, gây tử vong hàng loạt ở các hệ thống nuôi ấu trùng penaeid trên cả tôm sú và TTCT.
Vi khuẩn phát sáng được tìm thấy trên vỏ giáp, mang và ruột. Có thể gây bệnh ở tất cả các giai đoạn này nhưng phổ biến ở giai đoạn giống.
Tôm sú bị bệnh phát sáng (Nguồn: tepbac)
Hội chứng tôm chết sớm hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) là một bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra. V. parahaemolyticus là một loại vi khuẩn ưa nước mặn phân bố ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới ven biển trên khắp thế giới. AHPND thường ảnh hưởng đến tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm (dưới 40 ngày tuổi).
Hội chứng tôm chết sớm hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) (Nguồn: Viện sinh học phân tử LOCI)
Bệnh phân trắng | Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome) cũng là một trong những bệnh có liên quan đến Vibrio. Somboon và cộng sự. (2012) báo cáo 7 loài Vibrio được phân lập từ TTCT (L. vannamei) bị phân trắng trong nghiên cứu gồm V. vulnificus, V. fluvialis, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V damselae (Photobacterium damselae), V. mimicus và V. cholera.
Ngoài ra, một số chủng có thể gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở người, thường xảy ra sau khi ăn hải sản bị ô nhiễm.
Vi khuẩn Vibrio spp thường gây bệnh ở động vật thuỷ sản nước mặn và nước ngọt: cá, giáp xác, nhuyễn thể… Những vi khuẩn này thường là tác nhân cơ hội, khi động vật thuỷ sản sốc do môi trường biến đổi xấu hoặc bị nhiễm các bệnh khác như virus, nấm, ký sinh trùng.
Động vật thuỷ sản yếu không có sức đề kháng, các loài vi khuẩn Vibrio spp cơ hội gây bệnh nặng làm động vật thuỷ sản chết rải rác tới hàng loạt. Mùa vụ xuất hiện bệnh tùy theo loài và địa điểm nuôi.
Theo nghiên cứu của các tác giả nước ngoài và Việt Nam Vibrio spp tìm thấy phổ biến ở trong nước biển và ven bờ, trong nước bể ương tảo, bể ương Artemia, trong bể ương ấu trùng. Trong bể ương, lượng ấu trùng Vibrio tăng theo thời gian nuôi, tầng đáy cao hơn tầng mặt, do đó khi xi phông tầng đáy có tác dụng giảm mật độ Vibrio trong bể ương.
Bệnh ở cá nuôi lồng như biển, đầm nước lợ, dấu hiệu bệnh lý giống bệnh nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn Aeromonas spp di động.
Dựa vào dấu hiệu bệnh lý và nuôi cấy phân lập vi khuẩn để xác định bệnh.
STT | Tên bệnh | Giai đoạn tôm / thủy sản | Vi khuẩn gây bệnh | Tác hại |
1 | Bệnh phát sáng | ấu trùng, giống | V.parahaemolyticus V.harveyi |
gây chết hàng loạt |
2 | Bệnh đỏ dọc thân | ấu trùng, giống | V.alginolyticus | gây chết rải rác |
3 | Bệnh đỏ thân | Tôm thịt | Vibrio spp. | gây chết rải rác |
4 | Bệnh vỏ hay ăn mòn kitin, đen mang | ở các giai đoạn của tôm, cua | Vibrio spp Pseudomonas spp. Proteus sp |
chết rải rác hàng loạt |
5 | Nhiễm khuẩn ở cá | Cá nuôi đầm, lồng | Vibrio spp | chết rải rác |
Bảng: Một số bệnh ở động vật thuỷ sản do vi khuẩn Vibrio gây ra (Nguồn: Biogency)
3. Dấu hiệu bệnh lý ở tôm và thủy sản khi nhiễm vi khuẩn Vibrio
Khi tôm hoặc các loài thủy sản khác bị nhiễm vi khuẩn Vibrio sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Tôm ở trạng thái không bình thường: Nổi lên mặt ao, dạt bờ, kéo đàn bơi lòng vòng.
- Tôm, cua trạng thái hôn mê, lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn.
- Tôm có sự biến đổi màu đỏ hay màu xanh. Tôm cua vỏ bị mềm và xuất hiện các vết thương hoại tử, ăn mòn trên vỏ và các phần phụ.
- Ấu trùng tôm và tôm giống có hiện tượng phát sáng khi nhiễm V. parahaemolyticus và V. Harveyi.
- Xuất hiện các điểm đỏ ở gốc râu, phần đầu ngực, thân, các phần phụ của ấu trùng giáp xác khi nhiễm V. alginolyticus.
- Ấu trùng bào ngư khi nhiễm Vibrio spp chuyển từ màu hồng sang màu đỏ.
- Cua nhiễm Vibrio spp sau 24 – 48 giờ trong máu có hiện tượng vón cục (kết tủa) gồm các tế bào máu và vi khuẩn.
- Bệnh ở cá nuôi lồng nh- biển, đầm nước lợ, dấu hiệu bệnh lý giống bệnh nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn Aeromonas spp di động.
Tôm sú bị nhiễm vi khuẩn Vibrio spp:
(A) Ấu trùng tôm bị bệnh đỏ dọc thân; (B) Tôm sú bị bệnh đỏ thân; (C) Tôm sú bị bệnh đỏ thân (con thứ 3,4); (D) Tôm sú bị bệnh đỏ chân; (E) Đuôi tôm sú bị ăn mòn; (F) Đuôi tôm sú bị hoại tử; (G) Đuôi tôm sú bị đỏ; (H) Đuôi tôm sú bị phồng; (I) Tôm sú bị bệnh các phần phụ (râu, chân bò, chân bơi, đuôi) ăn mòn cụt dần.
Cá bị nhiễm vi khuẩn Vibrio spp:
(A) Cá mú bị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trên thân có các đốm xuất huyết, mắt mù; (B) Cá song nhiễm bệnh vi khuẩn trên gan có các đốm trắng.
4. Hướng dẫn kiểm tra vi khuẩn Vibrio ao tôm bằng đĩa kiểm khuẩn tôm
4.1. Công dụng của đĩa kiểm khuẩn tôm
Đĩa kiểm khuẩn tôm sẽ có hai loại là đĩa kiểm khuẩn tôm với môi trường TCBS và đĩa kiểm khuẩn tôm với môi trường Chrome-Agar. Mỗi loại sẽ có một công dụng riêng như sau:
- Đĩa kiểm khuẩn tôm với môi trường TCBS có thể kiểm tra, phân lập chọn lọc và xác định sự tồn tại của tổng số vi khuẩn Vibrio và vi khuẩn Vibrio harveyi trong môi trường ao nuôi tôm và bên trong cơ thể tôm.
- Đĩa kiểm khuẩn tôm với môi trường TCBS có thể kiểm tra, phân lập chọn lọc và xác định sự tồn tại của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, Vibrio vulnificus và Vibrio alginolyticus trong môi trường ao nuôi tôm và bên trong cơ thể tôm.
Đĩa kiểm vi khuẩn Vibrio với môi trường TCBS |
Đĩa kiểm vi khuẩn Vibrio với môi trường Chrome-Agar |
4.2. Hướng dẫn kiểm tra vi khuẩn Vibrio ao tôm bằng đĩa kiểm khuẩn tôm
Hướng dẫn chi tiết bên dưới nhằm giúp người nuôi tôm có thể tự kiểm tra vi khuẩn trong môi trường nước ao nuôi của mình bằng phương pháp tráng đĩa trên các đĩa thạch TCBS hoặc Chrome-Agar nhằm đánh giá mức độ gây bệnh cho tôm:
- Lấy mẫu nước ở giữa ao hoặc gần đáy ao.
- Lấy khoảng 02 đến 03 ml nước vừa thu được cho vào đĩa thạch. Chỉ cho mẫu nước vào ngay trên bề mặt thạch, không cho mẫu nước dính trên thành đĩa.
- Lắc đều nhẹ nhàng theo hướng xoay tròn để tráng đều lớp nước trên bề mặt thạch.
- Sau khi lắc đều, nghiêng đĩa về một hướng, dùng khăn giấy sạch hoặc bông sạch thấm hút hết phần nước còn dư trên đĩa và lau khô thành đĩa.
- Đậy nắp lại và lật ngược đĩa. Dùng giấy báo gói đĩa lại cẩn thận và bảo quản ở nhiệt độ phòng.
- Sau 18 đến 24 giờ, lấy đĩa ra và tiến hành đọc kết quả bằng cách quan sát màu sắc và đếm sổ khuẩn lạc mọc trên đĩa, rồi nhân lên cho 4 để biết tổng số khuẩn lạc/gam.
Cách đọc kết quả kiểm tra khuẩn:
- Đối với đĩa thạch TCBS:
- Khuẩn lạc màu xanh chỉ thị vi khuẩn có độc lực mạnh hơn màu vàng.
- Nếu trên đĩa thạch TCBS mọc khuẩn lạc màu vàng xanh thì nên mang đĩa thạch vào buồng tối quan sát xem có phát sáng không. Nếu có, chứng tỏ môi trường ao nuôi đang có sự hiện diện của vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi.
- Đối với đĩa thạch Chrome-Agar:
- Khuẩn lạc màu tím hoa cà, chỉ thị sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.
- Khuẩn lạc màu xanh ngọc, chỉ thị sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio vulnificus.
- Khuẩn lạc màu trắng, chỉ thị sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio alginolyticus.
Vì tránh để những mầm bệnh tiềm tàng xuất hiện sau khi kiểm khuẩn, làm ảnh hưởng xấu đến ao nuôi và môi trường nước trong khu vực, Quý khách hàng nên lưu ý tiêu hủy hoặc xử lý các đĩa kiểm khuẩn tôm sau khi đã qua xử dụng bằng các loại hóa chất diệt khuẩn chuyên dùng.
Tuyệt đối không được vứt đĩa kiểm khuẩn tôm ra môi trường nước hoặc gần các ao nuôi.
Hướng dẫn chi tiết cách kiểm khuẩn bằng đĩa thạch (Nguồn: Vinhthinh Biostadt)
5. Phòng và trị bệnh do Vi khuẩn Vibrio gây ra
5.1. Phòng bệnh do Vi khuẩn Vibrio gây ra
Giữ nồng độ vi khuẩn Vibrio dưới ngưỡng tối đa:
- Vibrio tổng số trong nước ao: 103 – 104 CFU/mL
- Vibrio tổng số trong ruột tôm: 105 CFU/g
Trong đó:
- Khuẩn lạc xanh: 102 CFU/mL
- Khuẩn lạc vàng: 103 CFU/mL
Sử dụng tôm giống sạch bệnh SPF (specific pathogens free). Các trại sản xuất tôm cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Lọc nước qua tầng lọc cát và xử lý tia cực tím.
- Xử lý tôm bố mẹ bằng Formalin 20-25 ppm thời gian 30-60 phút.A
- Xử lý Artemia bằng Chlorin 10-15 ppm trong 01 giờ ở nước ngọt, vớt ra rửa sạch rồi mới cho ấp.
- Có thể phun vào môi trường ương EDTA 2-5 ppm tác dụng kìm hãm phát triển của vi khuẩn.
- Thường xuyên xi phông đáy để giảm lượng vi khuẩn ở tầng đáy bể ương.
- Giai đoạn Zoea và Mysis phòng bệnh bằng Oxtetracyline 1-2 ppm.
- Trường hợp bị bệnh nặng phải huỷ đợt sản xuất và xử lý bằng Chlorin 20 -25 ppm trong một giờ mới xả ra ngoài.
Thực hiện chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học.
Sử dụng chế phẩm sinh học để chống lại vi khuẩn Vibrio gây bệnh, các vi khuẩn cơ hội. Các vi khuẩn probiotic duy trì chất lượng nước tốt thông qua việc hấp thụ hoặc phân hủy trực tiếp các chất hữu cơ trong nước.
Một số chủng thường được sử dụng cho mục đích này bao gồm: Nitrosomonas sp., Nitrobacter sp., Nitrosococcus sp., Bacillus sp., Aerobacter sp., và Pseudomonas sp.
Ngoài ra, probitic còn được sử dụng như các biện pháp dự phòng và điều trị tăng cường sức khỏe động vật thông qua dinh dưỡng. Hơn nữa, việc sử dụng chế phẩm sinh học, prebiotics, synbiotics, nước xanh, biofloc, cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa và kiểm soát sự bùng phát vi khuẩn Vibrio spp.
Các vi khuẩn probiotic có thể được sử dụng để loại trừ Vibrio gây bệnh, cơ hội khỏi hệ thống bằng các cơ chế cạnh tranh với Vibrio để lấy chất dinh dưỡng và không gian hoặc tạo ra các chất sẽ ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio cơ hội trong hệ thống.
Tóm lại, để quản lý Vibrio cần tập trung quản lý chất thải, giảm chất hữu cơ trong hệ thống nuôi.
5.2. Trị bệnh do Vi khuẩn Vibrio gây ra
Trong ao nuôi tôm thương phẩm:
- Xử lý nguồn nước cấp bằng chlorine 20 – 30 ppm.
- Trong quá trình nuôi nếu hồ tôm bị bệnh có thể xử lý bằng BKC, IOTDINE liều từ 10 – 15 ppm.
Dùng một số kháng sinh trị bệnh cho ấu trùng tôm:
- Oxytetracyline + Bacitracin (tỷ lệ 1:1) nồng độ 1-3 ppm.
- Erytromycin + Rifamycin (tỷ lệ 5:3) nồng độ 1-2 ppm.
- Erytromycin + Bacitracin (tỷ lệ 1:1) nồng độ 1-3 ppm.
- Thuốc phun trực tiếp trong bể sau 12 giờ thay nước, xử lý 3 ngày liên tục.
- Dùng một số kháng sinh trộn với thức ăn tinh để trị bệnh tôm thịt.
Nguồn:
- Bùi Quang Tề, 2006. Bệnh học thủy sản. Viện nghiên cứu NTTS1
- Tổng hợp từ Biogency, Thuysanvietnam, Tepbac và Wikipedia
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17 | Email: labvn.net@gmail.com
LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản
- Tổng quan về nghề nuôi tôm ở Việt Nam và trên thế giới
- Người chơi cá cảnh nên dùng men vi sinh dạng bột hay dạng lỏng?
- Oxy nuôi tôm, yếu tố quan trọng bậc nhất trong ao nuôi tôm
- Ứng dụng Berberine (chiết xuất từ cây hoàng đằng) trong nuôi trồng thủy sản
- Giới thiệu về vi sinh chuyên dụng cho tép cảnh V – Active