Nuôi tôm kết hợp từ lâu đã không còn là điều xa lạ với nông dân. Mô hình này hiện nay đã giúp bà con đạt được năng suất cao nhờ kinh nghiệm nuôi trồng lâu năm và có chi phí sản xuất thấp.
1. Tìm hiểu chung về mô hình nuôi tôm kết hợp với loài khác
1.1. Nuôi tôm kết hợp là gì?
Nuôi tôm kết hợp là phương pháp nuôi tôm lồng ghép với các loài khác chẳng hạn như cá, cua, sò huyết,… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho bà con thay vì chỉ nuôi riêng một loài.
Nông dân làm giàu nhờ nuôi tôm kết hợp
1.2. Ưu điểm khi áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp
- Giảm bớt được chi phí, tốn ít công chăm sóc hơn
- Đa dạng hóa đối tượng nuôi
- Thay đổi thế độc canh tôm do rủi ro dịch bệnh
- Cải thiện môi trường nuớc trong ao
- Tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân
- Các loài nuôi ghép thường hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
2. Các mô hình nuôi tôm kết hợp với loài khác phổ biến hiện nay
2.1. Nuôi tôm kết hợp cá rô phi
Nuôi tôm kết hợp cá rô phi từ lâu đã được người dân Việt Nam áp dụng với mục đích phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp và các bệnh khác trên tôm. Mô hình này cũng được áp dụng phổ biến tại các nước Châu Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan,…
Cá rô phi có khả năng thích nghi với nhiều môi trường nước khác nhau và chúng có thể chịu được độ mặn rất giỏi. Cá rô phi ăn tạp nhờ khả năng lọc tảo trong nước. Thức ăn chủ yếu của cá rô phi là rong, tảo, động vật phù du,… chúng có khả năng bắt được những tế bào nhỏ đến siêu nhỏ.
Nuôi tôm kết hợp cho hiệu quả bền vững
Nuôi tôm kết hợp cá rô phi sẽ cải thiện được môi trường nước ao nuôi, tăng hàm lượng oxy trong ao, giảm khuẩn gây hại trên tôm. Cá rô phi có thể giảm khối tảo chết đồng thời tái chế những vật chất này thành những chất dinh dưỡng tốt cho tôm nuôi.
Bên cạnh đó, cá rô phi là loài cá thường ăn mùn bã hữu cơ trong ao, giúp giảm bớt lượng chất thải, hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn mang mầm bệnh nguy hiểm cho tôm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các loại tảo có ích.
Nuôi tôm kết hợp cá rô phi thường được thực hiện theo 4 cách như sau:
- Cách 1: Nuôi tôm kết hợp cá rô phi trong chung 1 ao nuôi
- Cách 2: Đặt lồng lưới nuôi cá rô phi trong ao tôm
- Cách 3: Nuôi cá rô phi ở bên ngoài ao lắng tiếp đến sẽ cung cấp nước vào ao tôm từ ao nuôi cá rô phi
- Cách 4: Tương tự như cách 3 nhưng sau đó sẽ cung cấp nước cùng với một ít cá rô phi vào ao tôm
Trong 4 cách thì nuôi tôm trong lồng lưới là phương pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay. Bởi lẽ, chi phí cho cách này không quá cao, người nuôi có thể dễ dàng kiểm soát nguồn thức ăn mà vẫn đảm bảo môi trường nước trong ao tôm được cải thiện. Mô hình này sau 2 tháng rưỡi đến 3 tháng là có thể thu hoạch từ 9 – 12 tấn tôm và khoảng 0,5 – 0,8 tấn cá rô phi/ ha.
Việc nuôi tôm kết hợp cá rô phi không những giúp cải thiện được môi trường nước lượng nước, hạn chế lượng chất thải mà nó còn có khả năng ngăn ngừa và hạn chế mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng trên tôm.
2.2. Nuôi tôm kết hợp sò huyết
Hình thức nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm trong cùng một diện tích được xem là phương pháp nuôi thủy sản tiên tiến hiện nay mang lại hiệu quả cao, thu nhập ổn định cho bà con thay vì chỉ nuôi riêng tôm hoặc sò huyết.
Thức ăn chủ yếu của sò huyết thường là mùn hữu cơ, tảo, vi sinh vật. Sò huyết là loại thủy sản thích sống ở bùn cát, bùn nhão và sống ít tại những chất đáy có nhiều cát ít bùn.
Nuôi sò huyết trong vuông tôm
Chính vì thế, mô hình nuôi tôm kết hợp với sò huyết đã được áp dụng rộng rãi với mục đích cải thiện môi trường ao nước do chúng có khả năng lọc tảo và xử lý mùn bã hữu cơ, vi sinh vật gây hại trong ao tôm.
Ưu điểm của kỹ thuật nuôi sò huyết chung với tôm
- Hiệu quả kinh tế cao: Nuôi sò huyết rất dễ dàng vì khả năng sống của sò huyết cao hơn, sò cũng không cần ăn, chỉ cần thay nước thường xuyên.
- Tăng thu nhập: giá trị của sò huyết cao, mô hình nuôi tôm sò huyết kết hợp chung giúp tăng thu nhập lên ít nhất gấp đôi so với nuôi riêng tôm hay sò huyết
- Tiết kiệm diện tích: ngay trên cùng 1 diện tích có thể vừa nuôi được tôm vừa nuôi được sò huyết, tận dụng diện tích hiệu quả hơn.
- Dễ chăm sóc quản lý: sò không ăn chung loại thức ăn với tôm nên việc nuôi sò huyết chung với tôm cực kỳ đơn giản, không mất nhiều thời gian và công sức.
Trên thực tế khi thu hoạch thì lượng sò huyết đôi khi còn nhiều hơn cả tôm. Đặc biệt với nhu cầu tiêu thụ sò huyết ngày càng cao như hiện nay thì đây là mô hình nuôi thủy hải sản tiên tiến và có tiềm năng lớn.
Lưu ý: Để có thể nuôi tôm kết hợp với sò huyết đạt hiệu quả cao thì bà con nên lựa thời điểm vào những tháng có độ mặn cao để thả giống sò.
2.3. Nuôi tôm kết hợp cá kèo
Đặc điểm của cá kèo là dễ dàng thích nghi với đa dạng môi trường nước, độ mặn thích hợp từ 0-40‰, thích hợp nhất là 10-25‰, nên nuôi xen canh sau khi thu hoạch tôm để cho hiệu quả kinh tế cao nhất, chủ yếu là khai thác tối đa tiềm năng đất sẵn có.
Nguồn giống cá kèo thường là mua ở các ngư dân hoặc kéo lưới ở ven biển, rừng ngập mặn nên kích cỡ không đồng đều. Khi thả cá giống nên thả vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm để tránh cho cá bị sốc nhiệt.
Nuôi tôm với cá kèo
Cá kèo chủ yếu ăn rong,tảo, sinh vật phù du,… và đặc biệt là không nên cho cá kèo ăn vào hai tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai trở đi thì bắt đầu cho ăn dặm, khi mật độ 50 – 60m2 thì phải bổ sung thức ăn công nghiệp dạng viên nén.
Cá kèo khi nuôi trong các mô hình này thường không xuất hiện dấu hiệu bệnh, phát triển nhanh. Sau khoảng 4 – 6 tháng có thể thu hoạch bằng cách xiết cạn nước rồi bắt, đem chứa trong ao nhỏ.
2.4. Nuôi tôm kết hợp cua
Thông thường, khi nuôi tôm kết hợp cua thì thời điểm thả giống cua rất quan trọng. Thả vào thời điểm hợp lý sẽ giảm được hiện tượng ăn nhau giữa các loài.
Trong giai đoạn ương, người nuôi có thể cho cua ăn cá hấp chín giã nhuyễn trong vài ngày đầu. Sau đó trộn cá giã nguyễn với thức ăn viên của tôm với tỉ lệ giảm dần cá hấp và tăng dần cám viên để đến khi thả cua trong ao tôm thì cua có thể dùng chung thức ăn của tôm.
Nuôi tôm và cua kết hợp
Sau 1 tuần ương, quan sát thấy cua khoẻ mạnh là có thể thả cua ra ao tôm và chăm sóc cho ăn như cho tôm ăn. Lưu ý người nuôi thường xuyên kiểm tra quanh bờ ao, nếu thấy cua bò quanh bờ tìm thức ăn thì có nghĩa là lượng thức ăn chưa đủ, cần bổ sung thêm.
Khoảng 3 tháng sau thì có thể bắt đầu tiến hành thu hoạch. Sử dụng vợt hoặc câu để thu tỉa cua lớn và chắc thịt để bán. Sau 4 tháng khi lượng cua đã bớt thì kéo lưới để thu hoạch tôm. Đồng thời làm cạn ao để thu cua, khi đó sẽ còn 1 số cua chưa chắc thịt thì sẽ thả nuôi tiếp trong ao khác. Sau 10-12 ngày thì cua sẽ chắc thịt lại, lúc này có thể đem bán mà không mất giá.
3. Nuôi tôm kết hợp cần lưu ý những gì?
- Cải tạo kỹ lưỡng ao nuôi
- Mua giống ở những cơ sở sản xuất uy tín, sạch bệnh
- Nếu được thì nên xét nghiệm PCR trước khi chọn giống nuôi
- Sử dụng vôi và phân vô cơ với liều lượng hợp lý
- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm không rõ nguồn gốc.
- Nên trồng thêm cỏ lông tượng (năng tượng) hoặc các loài cây thủy sinh sống được trên đất nuôi tôm, để làm nơi cho tôm, cua trú ẩn và giúp cải thiện được đáy ao.
4. Kết luận
Hiện nay, các mô hình nuôi tôm kết hợp với loài khác này đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng được nhân rộng. Người nuôi đã tận dụng tốt diện tích canh tác kết hợp các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu sự rủi ro do độc canh tôm sú.
Từ thành công của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn chuyển những phần đất nuôi tôm kém hiệu quả sang áp dụng cách nuôi tôm kết hợp này. Sự mạnh dạn áp dụng mô hình mới đang mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản tại các tỉnh vùng ven biển .
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17 | Email: labvn.net@gmail.com
LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản