Tảo lục (tảo chlorella) là gì? Lợi ích của tảo lục trong ao nuôi tôm

tao-luc-tao-chlorella-la-gi-loi-ich-cua-tao-luc-trong-ao-nuoi-tom

Trong các hệ sinh thái thủy vực, tồn tại một loài sinh vật gọi là tảo (vi tảo). Bên cạnh những loài tảo độc gây hại thì cũng có những loài tảo có lợi cho hệ sinh thái thủy vực (tảo lợi). Một trong số chúng là tảo lục (tảo chlorella).

Tảo lục (tảo chlorella) là một loại tảo lành tính, đem lại nhiều lợi ích cho ao nuôi tôm. Vậy tảo lục (tảo chlorella) là tảo gì? Chúng có những lợi ích gì cho hệ sinh thái thủy vực nói chung và cho ao tôm nói riêng?

1. Tảo lục (tảo chlorella) là gì?

Tảo lục (tảo chlorella) là một nhóm lớn các loài tảo, nơi phát sinh ra thực vật có phôi (Embryophyta) (hay thực vật bậc cao). Chúng tạo nên một nhóm cận ngành, mặc dù nhóm bao gồm cả tảo lục và phân giới Thực vật có phôi là đơn ngành (và thường được biết đến với tên gọi là giới Thực vật – Plantae).

Tảo lục (tảo chlorella) là loại tảo có thói quen sống thành tập đoàn, quần xã. Chúng là một nhóm lớn các loài tảo với màu đặc trưng là màu xanh nhạt. Tảo lục bao gồm trùng đơn bào, tập đoàn trùng roi hay các dạng khuẩn cầu và khuẩn sợi,… sống thành tập đoàn khác. Trong ao tôm thường xuất hiện nhiều loại tảo lục như Oocyctis sp., Scenedesmus sp., Nannochloropsis sp., Dunaliella sp., Chlorella sp.,…

tao-luc-green-algae tao-luc-green-algae-duoi-kinh-hien-vi tao-luc-tao-chlorella

Một số loài tảo lục dưới kính hiển vi (Nguồn: Wikipedia)

Tảo lục bao gồm trùng roi đơn bào và tập đoàn trùng roi (thường nhưng không phải luôn luôn với 2 roi trên 1 tế bào), cũng như các dạng khuẩn cầu và khuẩn sợi, sống thành tập đoàn khác và các dạng tảo biển vĩ mô. Trong bộ Luân tảo (Charales) (quan hệ gần nhất với thực vật đa bào), có sự phân biệt đầy đủ của các mô.

Có khoảng 6.000 loài tảo lục. Nhiều loài sống cả đời ở dạng đơn bào, trong khi những loài khác tạo thành dạng tập đoàn, tập đoàn định số (coenobium) hoặc sợi dài hay tảo biển vĩ mô phân dị cao. Có một vài nhóm sinh vật dựa vào tảo lục để thực hiện chức năng quang hợp của chúng.

Lục lạp trong trùng roi xanh (Euglenoidea) và tảo lục phức tạp (Chlorarachnea) là thu được từ việc tiêu hóa thực bào tảo lục, và ở nhóm thứ hai thì một nhân dấu vết còn lưu lại (hình thái nhân). Tảo lục cũng được tìm thấy là sống cộng sinh trong trùng lông Paramecium, và trong loài thủy tức Hydra viridis cũng như trong một số loài giun dẹt (Platyhelminthes).

nganh-tao-luc-chlorophyta

Ngành tảo lục – Chlorophyta (Nguồn: Internet)

Vài loài tảo lục, đặc biệt là các chi Trebouxia và Pseudotrebouxia (lớp Trebouxiophyceae), có thể được tìm thấy trong dạng cộng sinh với nấm thành địa y. Nói chung các loại nấm trong địa y không thể sống độc lập, trong khi tảo trong tự nhiên thường không sống với nấm. Các loài tảo lục thuộc chi Trentepohlia sống ký sinh trên vỏ của một số loài cây gỗ.

Tảo lục không có tính độc, kích thước rất nhỏ và không hề gây mùi cho các vật nuôi trong ao. Trong thành phần của chúng có chứa nhiều loại acid amin, canxi, kẽm, sắt, chất xơ, vitamin,… và đặc biệt có tới 60% lượng protein. Do vậy, đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của tôm.

2. Hình dạng và cấu tạo

2.1. Hình dạng

Các giống loài trong ngành tảo lục có cấu trúc rất đa dạng: Dạng monas, dạng Pamella, hạt, sợi, amip…Tế bào có hình cầu, bầu dục, vuông, chữ nhật, lưỡi liềm…Kích thước của tế bào, tập đoàn rất khác nhau từ tảo đơn bào 1 – 2 Micromet đến những cây lớn hàng chục Centimet.

tao-luc-tao-chlorella

Hình dạng của tảo lục (tảo chlorella) dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)

2.2. Cấu tạo

Hầu hết các dạng tảo lục đều chứa các lục lạp. Chúng bao gồm diệp lục a và b, khiến chúng có màu xanh lục sáng (cũng như các chất nhuộm màu phụ thêm như β-caroten hay diệp hoàng (xanthophyll)), và có loại nang thể xếp đống.

cau-tao-cua-tao-luc-tao-chlorella

Cấu tạo của tảo lục (tảo chlorella):
(1) màng tế bào: bảo vệ bao bọc tế bào; (2) chất tế bào: chứa các bào quan; (3) nhân tế bào: chứa vật chất di truyền; (4) lục lạp: chứa diệp lục để quang hợp

Tất cả tảo lục đều có ti thể với lớp màng trong phẳng. Khi có mặt thì các roi thường được giữ chặt bởi một hệ thống các vi quản và dây dạng sợi hình chữ thập, nhưng chúng không có trong các loài thực vật có phôi và luân tảo, thay vì thế các loài này có một dải các vi quản. Các roi được sử dụng để di chuyển sinh vật. Tảo lục thường có màng tế bào chứa xenluloza, và trải qua sự phân bào có tơ mở không có trung thể.

Thành tế bào nguyên vẹn, có cấu tạo bằng màng nguyên sinh hay bằng Cellulo, đôi khi bằng Pectin. Những tảo sống riêng rẽ thành tế bào thường hoá nhầy, có tác dụng bảo vệ khi bị khô cạn hoặc cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn sống cộng sinh. Một số tảo lục, thành tế bào phân hoá thành gai (Golenkina) hay sừng (Scenedesmus) để tăng sức nổi và bảo vệ cơ thể.

Nhân tế bào: Thường có một nhân nằm ở giữa hay cạnh tế bào chỉ một số ít tế bào đa nhân.

Thể sắc tố và sắc tố:

  • Thể sắc tố: Thể sắc tố có kích thước nhỏ hay lớn với hình dạng rất đa dạng: dạng bản, dạng chén, dạng sao, dạng hạt……
  • Sắc tố: Màu sắc của tảo lục phân biệt với màu của các ngành tảo khác là chúng có màu xanh lục giống màu của thực vật bậc cao. Thành phần sắc tố gồm có: Diệp lục a, b, Caroten và gần 10 chất thuộc nhóm Xanthophyl.

Trên thể sắc tố có chứa chất tạo bột. Chất dự trữ: đa số là tinh bột, một số giống loài chất dự trữ dưới dạng giọt dầu, trong dầu chứa chất màu (Hematochrome) mà đỏ nhạt hay màu cam đỏ. Hệ thống không bào: Ở những tảo lục có khả năng vận động, nơi gần thể sinh roi có 1- vài không bào co bóp làm nhiệm vụ bài tiết.

Một số đặc điểm khác: Những tảo lục có khả năng vận động thường có 2-4 roi đều nhau nằm ở đỉnh tế bào. Dạng tập đoàn thì có thể mọi tế bào trong tập đoàn có roi hay chỉ những tế bào phía ngoài tập đoàn mới có roi như ở tập đoàn Volvox. Ngoài đặc điểm có roi vận động chúng còn có điểm mắt màu đỏ do chứa chất màu Astaxanthin nằm ở gốc roi, ngay cả các giao tử, bào tử chuển động cũng có điểm mắt.

3. Sinh sản

3.1. Sinh sản dinh dưỡng

Ở các tảo đơn bào là hình thức phân đôi tế bào, đối với tảo lục dạng bản hoặc dạng sợi thì khi một phần cơ quan dinh dưỡng rời khỏi cơ thể mẹ hì phần đó sẽ phát triển thành cơ thể mới.

3.2. Sinh sản vô tính

Cơ chế sinh sản bằng bằng bảo tử với các bào tử được nằm trong các túi bào tử, có các loại bào tử sau:

  • Bào tử động: được hình thành do sự phân chia nội chất của tế bào mẹ. Bào tử động có 2- 4 roi, thể tố dạng chén, có mắt, có không bào co bóp ở phia trước tế bào. Khi thành thục, bào tử chui qua khe nứt của tế bào mẹ, bơi lội một thời gian (1- 2 giờ) sau đó bám vào giá thể, rụng roi, tạo thành tế bào và phát triển thành cá thể mới.
  • Bào tử bất động.
  • Bào tử màng dầy và bào tử ngủ: bào tử màng dày (do vách tế bào mẹ dày lên) và bào tử ngủ (không chuyển động qua một thời gian ghỉ, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi mới nảy mần).
  • Bào tử giống mẹ (tự bào tử, bào tử tự thân Autospore): Một số loài tảo lục trong bào tử nang sản sinh ra một loại bào tử mà về hình thức hoàn toàn giống cá thể mẹ chỉ khác về kích thước.

3.3. Sinh sản hữu tính

Xảy ra trong điều kiện môi trường không thuận lợi. Gặp cả 3 hình thức đẳng giao, dị giao, noãn giao. Hợp tử thường không có màng dày bao bọc bên ngoài qua trạng thái nghỉ rồi mới tiếp tục phát triển. Do lần phân chia đầu tiên của hợp tử là phân chia giảm nhiễm nên đa số tảo lục ở trạng thái dinh dưỡng thuộc thế hệ đơn bội, một số ít thuộc lưỡng bội.

chu-ki-sinh-san-cua-tao-luc

Sinh sản hữu tính ở vi tảo Chlamydomonas (Nguồn: Voer)

Các giống loài trong lớp tảo tiếp hợp Conzugaetophycea có hình thức sinh sản theo lối “tiếp hợp”.

4. Phân bố

Tảo lục phân bố rộng như trong nước, trên đất ẩm…90% thành phần giống loài phân bố trong nước ngọt, còn 10% giống loài phân bố trong nước mặn. Trong nước ngọt, ta gặp tảo lục tảo lục ở khắp các loại hình thủy vực (ao, hồ, đầm, sông…). Đại đa số tảo lục sống tự do, một số sống cộng sinh, bì sinh hoặc kí sinh.

Đa số giống loài phân bố trong các vực nước giầu chất hữu cơ, một số loài lại phân bố trong các thủy vực nghèo dinh dưỡng (Chi Closterium). Trong một năm tảo lục thường xuất hiện và phát triển vào mùa có nhiệt độ cao (cuối xuân, đầu hè), ở vùng nước lợ mặn, phân bố trong các ao Nuôi trồng thủy sản ven bờ, đầm nước lợ, vùng cửa sông (đặc biệt vào mùa mưa).

5. Phân loại và đại diện

cay-phat-sinh-chung-loai

Cây phát sinh chủng loài của ngành tảo lục (Nguồn: Wikipedia)

Hệ thống phân loại: Ngành tảo lục được chia thành 4 lớp. Các đại diện thường gặp nằm trong các lớp sau:

5.1. Lớp Chlorophyceae

Tảo có cấu trúc dạng monas tập đoàn, monas đơn độc, dạng hạt… Tế bào thường có hình cầu, hình trứng với 2-4 roi ở phía trước và bằng nhau. Thể sắc tố dạng chén, hạt. Tế bào có 1 đến vài không bào co bóp làm nhiệm vụ bài tiết. Phân bố trong các thủy vực giàu chất hữu cơ. Lớp này thường gặp các bộ sau:

5.1.1. Bộ Volvoxcales

Cơ thể có cấu trúc dạng monas đơn độc hay monas tập đoàn. Tế bào dạng hình trứng, hình cầu…, thể sắc tố dạng chén. Các họ điển hình là:

  • Họ Chlamydomonadaceae: Có chi điển hình là chi Chlamynomonas, tế bào dạng hình trứng, bầu dục, cầu. Có 2 roi dài bằng nhau, đỉnh phía trước tế bào lồi lên dạng núm nhỏ. thể sắc tố dạng chén, dạng bản, hạt, hạt tạo bột có thể nằm trên thể sắc tố hoặc không có. Sinh sản bằng hình thức phân đôi tế bào, bào tử động, sinh sản hữu tính theo hình thức đẳng giao và dị giao. Phân bố trong các thủy vực nước ngọt giàu chất hữu cơ.
  • Họ Volvoccaceae: Gồm những tảo sóng thành dạng quần hợp (với các tế bào xếp thành 1 lớp, bao quanh bằng bao nhầy) và dạng tập đoàn. Họ này gặp những chi sau:
    • Chi Volvox: Dạng hình cầu gồm 2 vạn tế bào trong tập đoàn và có đường kính tới 2mm. Các tế bào có 2 roi, xếp sát vào nhau và phân bố thành một lớp theo hình cầu, phần giữa chứa dịch nhầy. Sinh sản bằng cách phân chia tế bào, hình thành các tập đoàn hình cầu con nằm trong tập đoàn mẹ, khi thành tế bào mẹ vỡ, các tập đoàn con chui ra ngoài. Sinh sản hữư tính noãn giao. Tập đoàn Volvox thường phát triển mạnh trong các ao rãnh nước ngọt nông, nhiệt độ ấm áp và chất hữu cơ phong phú.
    • Chi Gonium: Gồm 16 tế bào sắp xếp trên một mặt phẳng, liên kết với nhau bằng những góc kéo dài của vách tế bào. Sinh sản dinh dưỡng bằng cách phân đôi tế bào, sinh sản hữư tính là dị giao.
    • Chi Pandorina: Tập đoàn có 16 tế bào. Tế bào có dạng trứng thường đầu to hướng ra phía ngoài, đầu nhỏ hướng vào phía trong tập đoàn.
    • Chi Eudorina: Tập đoàn có 32 tế bào, các tế bào sắp xếp theo trật tự nhất định trong khối nhầy hình cầu.

5.1.2. Bộ Chlorococcales

Gồm những tảo sống đơn độc dạng hạt hay thành tập đoàn dạng khối, mạng lưới, sợi. Hình dạng tế bào rất khác nhau: hình cầu, bầu dục, đa giác… Thành tế bào vững chắc một số phân hoá thành gai hay sừng. Thể sắc tố dạng chén, bản, hạt. Không có không bào co bóp, điểm mắt. Phân bố rộng cả trong nước ngọt, lợ, mặn, một số rộng muối như Chlorella chịu được độ mặn từ 5-35‰. Bộ này gồm nhiều họ, một số họ đại diện:

  • Họ Chlorococcaceae: Chi đại diện là chi Chlorococcum phân bố trong nước ngọt, đất ẩm, trong thành phần của địa y. Tế bào hình cầu, 1 nhân, thể sắc tố dạng chén với 1 hạt tạo bột. Sinh sản vô tính bằng động bào tử, sinh sản hữu tính đẳng.
  • Họ Oocystaceae: Gồm hơn 20 chi trong đó phổ biến là chi Chlorella có cấu tạo rất đơn giản, dạng hình cầu, đường kính khoảng 15µm. Thể sắc tố dạng chén, có một hạt tạo bột, một nhân tế bào. Sinh sản vô tính bằng tự bào tử. Là đối tượng chính trong nuôi trồng thủy sản thu sinh khối làm thức ăn nuôi động vật nổi và ấu trùng động vật huỷ.
  • Họ Hydrodictyaceae: Gặp chi điển hình là chi Hydrodiction. Tập đoàn dạng ống có thể có kích thước dài 40-50cm, rộng 4-5cm. Các tế bào có cấu tạo dạng ống chứa nhiều nhân với nhiều thể màu, liên kết với nhau bằng đầu thành những mắt lưới có 5-6 góc. Sinh sản vô tính bằng động bào tử, sinh sản hữu tính đẳng.
    • Chi Pediastrum: Tập đoàn có kích thước hiển vi, dạng bản gồm một số lớn tế bào liên kết chặt với nhau bằng toàn bộ thành tế bào hay bằng những góc tế bào.
  • Họ Scenedesmaceae: Bao gồm những loài phân bố rất rộng,có thể có dạng quần hợp, sinh sản bằg tự bào tử. Các chi thường gặp:
    • Chi Scenedesmus: Tế bào có dạng bầu dục, dạng trăng non…Liên kết từ 2-8 tế bào trong một dãy. Hai tế bào ở phần đầu phân hoá thành sừng hay gai, một số loài ngay các tế bào ở giữa cũng có gai. Scenedesmus là thức ăn rất tốt cho ấu trùng tôm cá, chúng là đối tượng nuôi trồng để thu sinh khối.
    • Chi Crucigenia: Tế bào có dạng bầu dục hay dạng tam giác, thường sống thành quần hợp 4 tế bào và tạo thành khe hình “chữ thập”. Phân bố rộng trong các thủy vực nước ngọt. Là thức ăn rất tốt cho cá con và các động vật thủy sinh khác.
  • Họ Ankistrodesmaceae: Bao gồm những giống loài phân bố trong các thủy vực giàu chất hữu cơ. Chi đại diện là chi Ankistrodesmus, tế bào có dạng hình thoi kéo dài, hơi cong, thể sắc tố dạng bản. Sinh sản bằng bào tử bất động. Các tế bào phát triển đơn độc hay thành từng đám, chúng thường phát triển trong mùa ấm áp, gây hiện tượng “nở hoa”.

5.2. Lớp tảo tiếp hợp Conzugaetophyceae (Zygnematophyceae)

Bao gồm những cơ thể đơn bào hay đa bào dạng sợi. Hình dạng tế bào đa dạng: hình cầu, hình ống, trăng… Thành tế bào bằng Cellulo nhiễm Pectin, thành tế bào có sự phân hoá thành góc và gai nhỏ. Thể sắc tố có kích thước lớn, số lượng ít và có nhiều hình dạng khác nhau như hình bản, bản xoắn, sao…trên thể sắc tố có các hạt tạo bột.

Sinh sản dinh dưỡng bằng cách phân đôi tế bào, đứt đoạn dạng sợi. Sinh sản hữu tính theo lối tiếp hợp. Phân bố chủ yếu trong các thủy vực nước ngọt giàu và cả nghèo dinh dưỡng. Giới thiệu hai bộ thường gặp

5.2.1. Bộ Zygnematales

Bộ bao gồm những tảo dạng sợi không phân nhánh sống phù du. Tế bào hình ống, mặt bên hình vuông hay hình chữ nhật. Thể sắc tố lớn và đa dạng. Sinh sản bằng hình thức đứt đoạn dạng sợi và tiếp hợp. Họ đại diện là họ Zygnemaceae với 3 chi thường gặp:

  • Chi Spirogyra: Rất phổ biến trong các thủy vực nước ngọt, có tới 275 loài. Thể sắc tố dạng bản xoắn, trên thể sắc tố có các hạt tạo bột. Sinh sản hữu tính theo lối tiếp hợp của hai tế bào liền nhau ở ngay trên sợi hoặc hai tế bào của hai sợi gần nhau. Khi sinh sản, mỗi tế bào hình thành một mấu hướng vào nhau. Thành tế bào ở hai mấu lồi thường tan đi và cả hai nối liền với nhau thành rãnh tiếp hợp. Nội chất của một trong hai tế bào sẽ đổ vào tế bào kia qua rãnh tiếp hợp (Tế bào được nhận nội chất là tế bào cái, tế bào đổ nội chất là tế bào đực). Hợp tử có hình cầu, thành có 3 lớp màu nâu, nội chất chứa nhiều dầu. Sau một thời gian nghỉ, thành tế bào bị huỷ hoại, hợp tử phát triển, nhân lưỡng bội phân chia giảm nhiễm cho 4 hạch con đơn bội trong đó 3 nhân bị tiêu biến còn một nhân phát triển thành sợi cong. Sợi này xuyên qua thành hợp tử ra ngoài, phát triển thành sợi tảo mới.
  • Chi Zygnema: Hình dạng giống Spirogyra nhưng mảnh hơn, thể sắc tố hai cái hình sao nằm đối xứng nhau qua nhân, thường gặp loài Zygnema.
  • Chi Mougeotia: hình dạng giống Spirogyra nhưng khác là thể sắc tố dạng bản dọc theo chiều dài tế bào, trên thể sắc tố có chứa nhiều hạt tạo bột.

5.2.2. Bộ Desmidiales

Bao gồm những tảo có cấu tạo tế bào thường thắt ở giữa chia tế bào làm 2 nửa đối xứng nhau. Tế bào có hình dạng đa dạng: hình lưỡi liềm, cầu, vuông…Một số loài thành tế bào phân hoá thành góc, gai nhỏ. Sinh sản chủ yếu theo hình thức phân chia tế bào, tiếp hợp. Phân bố chủ yếu trong các thủy vực nước ngọt nghèo dinh dưỡng như ao, hồ, sông, suối vùng núi. Họ thường gặp là họ Desmidiaceae, những chi thường gặp:

  • Chi Closterium (tảo trăng, tảo lưỡi liềm): Tảo đơn bào có dạng lưỡi liềm cong hoặc thẳng. Mỗi nửa tế bào có 1 thể sắc tố dạng bản. Có 1 nhân tế bào nằm ở vị trí giữa 2 nửa tế bào, hai đầu tế bào có các khoảng trống chứa các hạt canxi nhỏ chuyển động. Sinh sản vô tính theo lối phân đôi tế bào, sinh sản hữu tính theo lối tiếp hợp.
  • Chi Cosmarium: Tế bào gồm 2 nửa dạng bán cầu, mỗi một nửa có 1 thể sắc tố dạng bản cong và có hạt tạo bột.
  • Chi Staurastrum: Cơ thể phân thành nhiều góc kéo dài, trên các góc có gai, sống đơn độc hay các góc mắc lại với nhau thành tập đoàn.
  • Chi Micrasteria: Cơ thể phân thành 2 nửa đối xứng, tế bào phân thành nhiều góc.

5.3. Lớp Prasinophyceae

Đặc điểm chủ yếu: Cấu trúc dạng monas đơn độc. Tế bào có dạng hình trứng, có roi 1-8 cái ở phía trước hoặc sau tế bào. Thể sắc tố dạng chén, có 1 đến vài không bào co bóp. Một số loài có thành tế bào chứa Glycoprotein (Tetraselmis).

Sinh sản bằng cách phân đôi tế bào, động bào tử, sinh sản hữu tính bằng hình thức đẳng giao xảy ra khi môi trường sống trở nên bất lợi đặc biệt là khi hàm lượng muối dinh dưỡng giảm. Bộ thường gặp là Bộ Chloredendrales, Họ Chloredendraceae. Chi thường gặp là Chi Tetraselmis với loài Suecica.

6. Ý nghĩa

Tảo lục đơn bào cùng với các bào tử, giao tử là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho động vật nuôi cũng như các động vật thủy sinh khác.

Một số giống loài trong bộ Chlorococcales như ChlorellaChlamydomonas… trong cơ thể có thành phần Protein cao với nhiều loại axit amin không thay thế, các vitamin và các khoáng chất cần thiết khác nên đã được gây nuôi và sử dụng rộng rãi trong ương nuôi động vật nổi (Brachionus plicatilis), ấu trùng tôm, cá, động vật thân mền.

bot-tao-luc-bot-tao-chlorella-organic-chlorella-powder

Bột tảo lục – Organic Chlorella Powder (Nguồn: Internet)

Một số tảo lục được sử dụng làm thực phẩm cho con người như rong cải biển Ulva, rong Enteromorpha… Các tảo lục dạng sợi như Cladophora, Rhyzoclorium dùng làm nguyên liệu chế biến giấy, cacton ngoài ra con thu được Aceton, rưọu Butylic, H2 và CO2.

Tuy nhiên khi tảo lục phát triển mạnh (nở hoa) làm ô nhiễm môi trường nước, các tảo lục dạng sợi như Spirogyra, tảo mắt lưới Hydrodiction khi phát triển mạnh làm mất dinh dưỡng của nước (nước gầy), làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của của tôm cá.

7. Dấu hiệu nhận biết tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm

mot-so-loai-tao-luc-tao chlorella-thuong-xuat-hien-trong-ao-tom

Một số loài tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi (Nguồn: Biogency)

Nhóm tảo lục thường xuất hiện trong ao nuôi tôm gồm: Oocyctis sp., Scenedesmus sp., Nannochloropsis sp., Dunaliella sp., Chlorella sp.,… Để nhận biết ao tôm có tảo lục hay không, bà con có thể tham khảo một số cách sau:

  • Quan sát trên kính hiển vi: tảo lục (tảo chlorella) có dạng hình cầu, đường kính khoảng 2-10 μm, không có tiên mao và có màu xanh lá cây đặc trưng (nhờ sắc tố quang hợp chlorophyll -a và b trong lục lạp).
  • Quan sát bằng mắt thường: nếu trong ao nuôi có sự xuất hiện và chiếm ưu thế của tảo lục (tảo chlorella), nước ao nuôi sẽ có màu xanh đọt chuối non, xanh đều khắp ao. Người nuôi thường hay gọi màu nước màu xanh vỏ đậu. Tuy nhiên cần phân biệt màu nước xanh lam đậm, có váng nhầy nhớt do tảo lam (là một loài tảo độc) gây nên.

phan-biet-tao-luc-va-tao-lam-trong-ao-nuoi-tom

Phân biệt màu nước ao tôm khi có sự xuất hiện của tảo:
Ảnh trái: Nước ao nuôi tôm khi tảo lục (tảo chlorella) phát triển
Ảnh phải: Nước ao nuôi tôm khi tảo lam (vi khuẩn lam – cyanobacteria) phát triển

8. Lợi ích của tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm

Do không có độc tính và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên tảo lục là nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho sự phát triển của tôm. Đồng thời, tảo lục còn là nguồn cung cấp oxy dồi dào cho tôm hô hấp nhờ vào quá trình quang hợp ban ngày của chúng.

Đặc biệt, một số loài tảo lục còn có khả năng sản sinh ra chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp., điển hình là Chlorella sp.. Vi khuẩn Vibrio là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ở tôm. Chúng có khả năng sống kí sinh trong đường ruột của tôm và tiết độc tố khiến gan tụy tôm bị sưng lên hay teo lại, mềm nhũn, tỷ lệ tôm bị chết do các loại bệnh này có thể lên đến 100%.

Do vậy, Vibrio tồn tại trong ao nuôi rất nguy hiểm cho tôm. Sự có mặt của tảo lục sẽ làm hạn chế sự phát triển của chúng, góp phần bảo vệ tôm khỏi các bệnh do Vibrio.

Khi tảo lục khi phát triển ở mức cho phép sẽ che phủ phần nào bề mặt ao khỏi ánh sáng trực tiếp của mặt trời, hỗ trợ duy trì nhiệt độ nước ổn định ở đáy ao. Nếu phát triển nhiều trong ao tôm, tảo lục cũng không gây ra hiện tượng tảo nở hoa như tảo lam, tảo mắt hay tảo giáp (những loại tảo có hại).

Ngoài ra, nếu tảo lục chiếm ưu thế trong ao nuôi sẽ góp phần làm hạn chế sự phát triển của các loại tảo độc. Sự phát triển của tảo lục trong ao nuôi tôm sẽ làm giảm độ trong của nước, hấp thu các chất hữu cơ và muối dinh dưỡng dư thừa trong nước.

Xem thêm Tảo độc là gì? Tổng hợp các loại tảo độc và tác hại của tảo độc trong ao nuôi tôm

9. Tác hại của tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm

Tảo lục là một trong những loại tảo có mặt phổ biến trong ao nuôi tôm. Đây là một loại tảo không độc và có những vai trò nhất định trong ao. Thế nhưng, trong một số trường hợp nhất định, sự phát triển của tảo lục lại gây hại cho tôm. Tảo lục sẽ gây hại cho tôm khi chúng phát triển quá mức

Nếu tần suất tảo dày đặc quá mức sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi. Tảo lục cần sử dụng oxy và tạo ra CO2, chúng sẽ sử dụng nhiều oxy, gây thiếu lượng oxy cần thiết cho ao tôm. Thiếu oxy là nguyên nhân của hiện tượng tôm nổi đầu trên mặt nước để lấy oxy.

bien-dong-cua-do-duoi-tac-dung-cua-tao-trong-ngay-dem

Biến động của DO dưới tác dụng của tảo trong ngày/đêm (Nguồn: Biogency)

Khi tảo lục phát triển mạnh, mặt dù đã lấn át được hết các loại tảo gây hại, nhưng nếu phát triển quá mức, trong ao cũng rất dễ xảy ra hiện tượng tảo tàn, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh cho tôm phát triển.

10. Điều kiện phát triển của tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm

Nitơ (N) và photpho (P) là hai yếu tố then chốt cho sự phát triển của tảo. N và P tồn tại trong nước do quá trình phân hủy hữu cơ, hàm lượng P thấp hơn và cần thiết hơn so với hàm lượng N.

Ngoài ra, cả N và P đều có trong thức ăn của tôm, do vậy nếu lượng thức ăn thừa trong ao nuôi nhiều sẽ là điều kiện cho tảo phát triển mạnh. Sự phát triển của các giống loài tảo trong ao nuôi đều phụ thuộc vào tỷ lệ N/P.

Riêng đối với tảo lục, chúng sẽ phát triển khi hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng muối dinh dưỡng ở mức trung bình. Với tỉ lệ N/P từ 7-14/1 là điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của tảo lục. Nếu mật độ tảo lục cao, nước ao sẽ chuyển sang màu xanh nhạt hoặc xanh sáng.

Nguyên nhân của việc tảo lục trong ao tôm phát triển quá mức thường là do:

  • Bà con chưa quản lý tốt lượng thức ăn cho tôm, thức ăn cho tôm quá nhiều dẫn đến dư thừa nhiều, rớt đáy.
  • Lượng phân do tôm thải ra suốt vụ không được dọn dẹp và xử lý đúng cách, gây tăng lượng hữu cơ bẩn trong ao.
  • Sự thay đổi bất chợt của thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho tảo lục phát triển mạnh.

11. Cách gây màu nước, tạo ra hệ tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm

11.1. Cách gây tảo lục (tảo chlorella) bằng phân hóa học N-P-K

Phân bón gồm đạm (nitơ), lân (phốtpho), kali, và các loại phân vi lượng. Các loại phân này có thể được trộn lẫn thành phân hỗn hợp. Nên đánh cám, bột, gỉ đường kèm với phân. Cách này được áp dụng ở những ao nuôi mới xây dựng, ao trên nền đáy cát hoặc ao có bạt đáy. Cách gây tảo lục trong ao nuôi tôm bằng phân hóa học thường được áp dụng ở thời gian đầu trong chu kỳ nuôi.

Các nghiên cứu của FAO chỉ ra rằng những ao nuôi tôm có tảo lục chiếm đa số thường còn tỷ lệ tôm phát triển cao nhất, thấp nhất là những ao có các loại tảo roi (tảo mắt, tảo giáp). Hai loại tảo trong ao nuôi tôm này có cấu tạo và chế độ dinh dưỡng rất khác nhau. Ở tảo lục, tỷ lệ N:P = 20 – 30:1. Còn ở tảo roi thì tỷ lệ này là N:P = 1:1.

co-che-te-bao

Cơ chế phát triển của tế bào tảo theo hàm lượng dinh dượng trong nước (Nguồn: Arrigo, 2005)

Tỷ lệ N:P = 20 – 30:1 cũng là tỷ lệ chuẩn khi gây tảo có lợi trong ao. Theo trọng lượng ta sẽ có tỷ lệ N:P theo bảng sau:

ppm Nitrogen ppm Phosphorus
1.4 0.15
1.3 0.14
1.1 0.12
0.95 0.11
0.8 0.09
0.7 0.08
0.6 0.07
0.4 0.05
0.3 0.03

Khi bón phân hóa học cho ao nuôi tôm để gây tảo lục (tảo chlorella), liều lượng lần đầu tiên gây tảo chỉ nên ở mức 0,95 ppm nitơ và 0,11 ppm photpho. Ví dụ:

  • Ao có diện tích 1ha có sâu nước là 0,6 m. Suy ra thể tích nước trong ao là V = 1000 x 0,6 = 6000 m³.
  • Ta có 1 ppm = 1 g/ m³
  • Do đó cần đạt hàm lượng nitơ là 0,95 ppm và sử dụng 6000 x 0,95 = 5700 g = 5,7 kg nitơ.
  • Hàm lượng photpho cần đạt là 0,11 ppm photpho và sử dụng 6000 x 0,1 = 660g = 0.66 kg photpho.

Sau khi đã xác định được lượng dinh dưỡng cần thiết, lượng phân bón dựa theo hàm lượng dưỡng chất được tính theo công thức:

cong-thuc-phan-bon

  • Nếu ao bón phân ammonium sulfate có chứa 21% hàm lượng nitơ thì hàm lượng phân bón là: 5,7 / 0,21 = 27,1 kg.
  • Nếu ao triple superphosphate có chứa 39% hàm lượng photpho thì hàm lượng phân bón là: 0,66 / 0,39 = 1,69 kg.

Một số loại phân và hàm lượng dinh dưỡng:

Loại KgN/kg phân kgP2O5/kg phân
Urea 0.45 0
Ammonium Sulfate 0.20 0
Ammonium Nitrate 0.34 0
Sodium Nitrate 0.16 0
Super Phosphate 0 0.16
Tri super Phosphate 0 0.46
Monoammonium Phosphate 0.11 0.52
Diammonnium Phosphate 0.18 0.48

Trong quá trình bổ sung phân ammonium, chất nitơ bị hấp thụ bởi chất keo dưới đáy ao trong vài ngày rồi bị giữ lại ngay tại đây. Hàm lượng nitơ bị hấp thụ khi bón phân nitrat khá ít nên hàm lượng nitơ trong nước khá cao. Do đó việc chọn phân bón tùy thuộc vào loại tảo muốn phát triển. Nếu muốn gây tảo lục (tảo chlorella) thì nên dùng phân nitrat, gây tảo đáy thì nên dùng phân ammonium.

Phân bón bị hấp thụ bởi nền đáy ao do đó bạn cần bón một lượng nhỏ nhưng nhiều lần khác nhau, lặp lại từ 7 đến 10 ngày sẽ hiệu quả hơn. Phương pháp tốt nhất là bón một lượng vừa phải rồi quan sát mức độ phát triển của tảo lục trong ao nuôi tôm sau đó điều chỉnh lượng phân bón phù hợp.

Dùng đĩa Secchi để xác định mức độ tảo như sau:

dia-secchi

Dùng đĩa secchi để xác định mức độ tảo (Nguồn: thuysan247)

Độ cứng ảnh hưởng tới lượng phân bón trong ao. Lượng phosphate cần để duy trì mật độ phytoplankton thích hợp có thể nhiều hơn bình thường trong nước có độ cứng calci cao – đặc biệt là khi pH cao. Thí dụ, lượng phân phosphat cần cho ao có độ cứng quá 300 ppm tại Israel cao gấp 3 lần ao có độ cứng 45 ppm tại Alabama, USA để tạo ra cùng 1 sản lượng cá rô phi.

Hòa phân vào nước tạt xuống ao để tăng độ tan của phân. Nếu chưa đạt mật độ tảo như mong muốn có thể tăng tỉ lệ N:P. Ao có độ kiềm thấp (thấp hơn 90 ppm) nên bón vôi để tăng hiệu quả của phân. Tuy nhiên, nên bón vôi trước khi bón phân ít nhất 1 tuần.

Lưu ý:

  • Cách gây tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm bằng phân hóa học có hiệu quả nhanh nhưng dễ gây nên hiện tượng tảo bùng phát và tàn đi nếu sử dụng lượng phân quá lớn. Khi tảo lục (tảo chlorella) tàn đi làm cho nước ao trong và làm tảo đáy sinh sôi phát triển.
  • Tảo và nền dưới đáy ao sẽ thường xuyên hấp thu dưỡng chất trong nước nên bà con cần bổ sung định kỳ phân hóa học để duy trì màu nước ao nuôi.
  • Phân hóa học đặc biệt là phân urê trực tiếp tạo ra NH3 trong nước. Một phân tử phân urê sẽ tạo ra 2 phân tử NH3 rất có hại cho tôm nuôi. Do đó cần hạn chế sử dụng phân urê để gây tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm.
  • Những ao đã nuôi thời gian lâu hoặc đã sử dụng phân lân hạ phèn không nên dùng phân hóa học để gây màu nước tạo tảo.
  • Các loại tảo phát triển trong ao sẽ rất khó kiểm soát. Cùng một chế độ chăm sóc nhưng hai ao khác nhau sẽ có lượng tảo và vi sinh khác nhau tùy thuộc vào số lượng và chủng loại. Cách tốt nhất đó là lấy đi một phần nước ở ao đã có màu đẹp đổ vào ao mới rồi rải cám để tảo lục và các loại vi sinh khác phát triển.

11.2. Cách gây tảo lục (tảo chlorella) bằng chất hữu cơ

Có thể sử dụng chất hữu cơ gây màu nước khi nước ao trở nên trong sau khi thả giống. Một vài công thức gây màu nước bằng chất hữu cơ như sau:

Cách 1: Cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày.

  • Lúc 7 – 8 giờ sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 20 – 30 kg/1000 m3.
  • Lúc 10 – 12 giờ trưa: bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1000 m3.
  • Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.

Cách 2: Mật đường, cám gạo, bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ. Lúc 9 – 10 giờ sáng: hỗn hợp bón mật đường, cám gạo, bột đậu nành đã qua ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày.

Cách 3: cho 2 kg thức ăn + 5 kg khoáng vi lượng + 2 kg rỉ đường + 100 g men-vi sinh, ủ có sục khí qua đêm. 9 – 10 giờ sáng hôm sau đánh xuống ao. Lập lại 3 ngày. Nếu màu nước chưa đạt có thể tiếp tục xử lý với một nữa liều, 2 ngày/lần.

Lưu ý:

  • Với cách gây màu bằng chất hữu cơ, khi đo hàm lượng NH4+/NH3 trong nước đạt mức từ 0,5 ppm trở lên thì dừng bổ sung. Nếu nước vẫn chưa đạt màu vừa ý có thể đánh thêm vi khoáng vào lúc 9 – 10 giờ sáng trong vài ngày.
  • Sau khi thả giống, dùng phân hữu cơ gây màu không được dùng hơn 1 tuần.

12. Cách kiểm soát tảo lục (tảo chlorella) trong ao tôm

Tảo lục không phải là một loại tảo khó phát triển hay khó gây màu trong ao nuôi tôm. Bên cạnh đó, sự phát triển quá mức của tảo lục sẽ tạo ra nhiều tác hại trong ao nuôi tôm.

Tuy tảo lục trong ao tôm không chứa độc tố, tuy nhiên việc theo dõi tốc độ phát triển và kiểm soát được tốc độ đó là điều bà con cần lưu ý để tránh được các tác hại, giảm thiểu rủi ro trong mùa vụ tôm của mình. Để phòng tránh được các tác hại của tảo lục trong ao tôm bà con cần lưu ý:

  • Thường xuyên quan sát màu nước ao nuôi để biết được tốc độ phát triển của tảo lục trong ao. Dễ dàng đưa ra các phương pháp xử lý phù hợp.
  • Tiến hành cắt tảo định kỳ trong suốt mùa vụ để kiểm soát được mật độ tảo hoặc có thể thay nước khi mật độ tảo quá cao.
  • Kiểm soát chặt lượng thức ăn cho tôm, tránh vừa lãng phí về kinh tế lại vừa gây hại cho tôm.
  • Kết hợp sử dụng với các loại men vi sinh xử lý nước ao nuôi tôm. Từ đó giúp cân bằng được môi trường nước trong ao thuận lợi nhất cho tôm phát triển.

13. Kết luận

Tảo lục là một nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng khi có chứa nhiều loại axit amin, sắt, chất xơ, kẽm, canxi, vitamin,… và hơn 60% lượng Protein. Ngoài ra chúng cũng không có tính độc, kích thước nhỏ và không gây mùi cho ao tôm. Đặc biệt với tảo lục Chlorella sp. còn giúp cho việc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp khiến tôm bị bệnh.

Thêm vào đó, tảo lục nếu phát triển mạnh cũng sẽ không gây ra hiện tượng nở hoa như các loại tảo độc như tảo lam, tảo mắt và nếu tảo lục có lợi ưu thế hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự phát triển của tảo có hại.

Tuy nhiên, nếu tần suất tảo dày đặc quá mức sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi. Tảo lục cần sử dụng oxy và tạo ra CO2, chúng sẽ sử dụng nhiều oxy, gây thiếu lượng oxy cần thiết cho ao tôm. Thiếu oxy là nguyên nhân của hiện tượng tôm nổi đầu trên mặt nước để lấy oxy.

Khi tảo lục phát triển mạnh, mặt dù đã lấn át được hết các loại tảo gây hại, nhưng nếu phát triển quá mức, trong ao cũng rất dễ xảy ra hiện tượng tảo tàn, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh cho tôm phát triển.

Nguồn: tổng hợp từ Giáo trình Sinh thái Thủy sinh vật, Wikipedia, Biogency, thuysan247 và thuysanvietnam


Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Hotline/Zalo: 08888 3 15 17   |     Email: labvn.net@gmail.com

LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hotline: 08888.3.15.17
Zalo: 08888.3.15.17
Chat Zalo
Gọi điện ngay