Các loại tảo trong ao nuôi tôm không còn là hiện tượng lạ đối với bà con nuôi tôm lâu năm. Một số trường hợp tảo hại (tảo độc) gây hại cho tôm cá và môi trường thủy vực nói chung. Bên cạnh đó cũng có một số tảo lợi được dùng làm thức ăn cho thủy sản (tôm, cá), người, gia súc, gia cầm, làm thuốc,….
Do đó, người nuôi tôm cần phải nắm rõ các thông tin về các loại tảo trong ao nuôi tôm để có thể tìm ra phương pháp quản lý ao nuôi hiệu quả nhất.
1. Tảo là gì? Giới thiệu sơ nét về các loại tảo trong ao nuôi tôm
Các loại tảo trong ao nuôi tôm (nói chung) là những sinh vật mà cơ thể gồm một hoặc nhiều tế bào, cấu tạo rất đơn giản, có màu khác nhau và luôn luôn có chất diệp lục. Hầu hết tảo sống ở nước.
Định nghĩa về Tảo theo Wikipedia:
- Tảo là một nhóm nguyên sinh vật lớn và đa dạng, bao gồm các sinh vật thông thường là tự dưỡng, gồm một hay nhiều tế bào có cấu tạo đơn giản, có màu khác nhau, luôn luôn có chất diệp lục nhưng chưa có rễ, thân, lá.
- Hầu hết tảo sống trong nước. Đây là những sinh vật mà vách thân chứa xenluloza, là những sinh vật tự dưỡng vì chứa diệp lục, quang hợp nhờ ánh sáng và CO2.
- Tảo có nhiều dạng: đơn bào, sợi xiên, sợi phân nhánh, hình ống, hình phiến. Tảo không có mô dẫn truyền. Nhóm tảo có trên 100 000 000 loài hiện sống trên Trái Đất
Vai trò của tảo: góp phần cung cấp ôxi và thức ăn cho các động vật ở nước. Một số trường hợp tảo hại (tảo độc) gây hại cho tôm cá và môi trường thủy vực nói chung. Bên cạnh đó cũng có một số tảo lợi được dùng làm thức ăn cho thủy sản (tôm, cá), người, gia súc, gia cầm, làm thuốc,….
2. Tảo lợi trong ao nuôi tôm
2.1. Tảo lợi trong ao nuôi tôm là gì?
Tảo lợi là một trong số các loại tảo trong ao nuôi tôm có khả năng tạo ra những tác động tích cực (có lợi) đến các loài sinh vật sống cùng môi trường với chúng (các loài thủy sản như tôm, cá, …), hoặc mang đến những lợi ích cho các loài sinh vật tiếp xúc với chúng (các loài gia súc, gia cầm, ăn hoặc uống ở nguồn nước có sự xuất hiện của tảo lợi).
Khi tảo có lợi phát triển ở mức cho phép, chúng sẽ giữ ổn định nhiệt độ nước cho tầng đáy bằng cách che phủ phần nào bề mặt ao khỏi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Cường độ ánh sáng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân hủy chất hữu cơ trong ao, trong khi tảo có lợi phát triển sẽ tạo ra một màng phiêu sinh ngăn cản gián tiếp sự tích lũy của các chất độc có hại cho tôm.
Tảo cũng có khả năng hấp thu ion NH4+, phần nào làm giảm khí amoniac gây độc cho tôm. Trường hợp tảo lục, tảo khuê phát triển mạnh sẽ không gây ra hiện tượng nở hoa như các loại tảo độc và nếu tảo có lợi ưu thế hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự phát triển của tảo có hại.
Bên cạnh đó, nhóm tảo lợi còn có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin, khoáng chất và sắc tố, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch không đặc hiệu, tăng trạng thái sẵn sàng phòng thủ tự nhiên của tôm.
Xem thêm Tảo lợi là gì? Tổng hợp các loại tảo lợi và lợi ích của tảo lợi trong ao nuôi tôm
2.2. Tổng hợp các loại tảo lợi trong ao nuôi tôm và lợi ích của chúng
2.2.1. Tảo cát – Tảo khuê (tảo silic)
Tảo khuê hay còn gọi là tảo cát, tảo silic, là một vi tảo quang hợp được tìm thấy trong hầu hết các điều kiện môi trường nước. Chúng là những sinh vật dị dưỡng, có thể sinh trưởng riêng lẻ hoặc tập hợp lại với nhau, với khả năng di chuyển rất hạn chế.
Một số loài tảo khuê (tảo silic) thường gặp
Ngoài tự nhiên, tảo khuê đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều hòa sinh hóa đối với đại dương. Cũng giống như đa số các loại tảo khác, tảo khuê hấp thụ carbon dioxide (CO2) và ánh sáng mặt trời để tạo ra oxy, được ví như một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Nước ao nuôi có tảo khuê sẽ có xu hướng chuyển sang màu vàng nâu hoặc vàng đục (Nguồn: aquamina)
Lợi ích của tảo khuê (tảo silic) trong ao nuôi tôm:
- Chúng không chứa xenluloza nhưng giàu sterol, axit béo không bão hòa, canxi, magie, sắt, các muối vô cơ và các vitamin khác nhau, có thể được động vật thủy sản hấp thu và tiêu hóa tốt.
- Chúng có tác dụng đặc biệt trong việc lọc nước và cân bằng sinh thái của thủy vực.
- Tập hợp tảo khuê là một hỗn hợp chất dinh dưỡng mới lạ, giúp kích thích sự phát triển của thủy sản.
- Tảo khuê trong ao nuôi tôm có hỗn hợp các axit béo không bão hòa, sắt và canxi giúp kích thích sự phát triển của tôm rất hiệu quả.
- Thức ăn tươi sống từ hỗn hợp dinh dưỡng này giúp tăng trưởng bền vững, phòng tránh bệnh và đạt sản lượng tối đa.
- Tảo khuê nếu chiếm số lượng lớn trong ao nuôi sẽ tạo nên độ đục phù hợp, tránh trường hợp xấu tôm ăn thịt đồng loại.
- tảo khuê cũng sẽ hạn chế các chất độc amoniac và kim loại nặng, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của các loại tảo sợi không mong muốn trong thủy vực.
- Tảo khuê còn đóng vai trò như hệ thống lọc sinh học trong môi trường nước, chúng hỗ trợ giúp ổn định các thông số môi trường trong ao.
- Cạnh tranh chất dinh dưỡng và làm giảm quần thể vi khuẩn gây bệnh.
Xem thêm Tảo khuê (tảo silic) là gì? Lợi ích của tảo khuê trong ao nuôi tôm
2.2.2. Tảo lục (tảo chlorella)
Tảo lục (tảo chlorella) là một nhóm lớn các loài tảo, nơi phát sinh ra thực vật có phôi (Embryophyta) (hay thực vật bậc cao). Chúng tạo nên một nhóm cận ngành, mặc dù nhóm bao gồm cả tảo lục và phân giới Thực vật có phôi là đơn ngành (và thường được biết đến với tên gọi là giới Thực vật – Plantae).
Một số loài tảo lục dưới kính hiển vi (Nguồn: Wikipedia)
Tảo lục không có tính độc, kích thước rất nhỏ và không hề gây mùi cho các vật nuôi trong ao. Trong thành phần của chúng có chứa nhiều loại acid amin, canxi, kẽm, sắt, chất xơ, vitamin,… và đặc biệt có tới 60% lượng protein. Do vậy, đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của tôm.
Phân biệt màu nước ao tôm khi có sự xuất hiện của tảo:
Ảnh trái: Nước ao nuôi tôm khi tảo lục (tảo chlorella) phát triển
Ảnh phải: Nước ao nuôi tôm khi tảo lam (vi khuẩn lam – cyanobacteria) phát triển
Lợi ích của tảo lục (tảo chlorella) trong ao nuôi tôm:
- Là nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho sự phát triển của tôm.
- Là nguồn cung cấp oxy dồi dào cho tôm hô hấp nhờ vào quá trình quang hợp ban ngày của chúng.
- Một số loài tảo lục còn có khả năng sản sinh ra chất ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp.
- Khi tảo lục khi phát triển ở mức cho phép sẽ che phủ phần nào bề mặt ao khỏi ánh sáng trực tiếp của mặt trời, hỗ trợ duy trì nhiệt độ nước ổn định ở đáy ao.
- Nếu phát triển nhiều trong ao tôm, tảo lục cũng không gây ra hiện tượng tảo nở hoa như tảo lam, tảo mắt hay tảo giáp (những loại tảo có hại).
- Góp phần làm hạn chế sự phát triển của các loại tảo độc.
- Sự phát triển của tảo lục trong ao nuôi tôm sẽ làm giảm độ trong của nước, hấp thu các chất hữu cơ và muối dinh dưỡng dư thừa trong nước.
Xem thêm Tảo lục (tảo chlorella) là gì? Lợi ích của tảo lục trong ao nuôi tôm
2.2.3. Tảo xoắn (tảo spirulina)
Tảo xoắn hay còn gọi là tảo spirulina có tên khoa học là Spirulina platensis là một loại Cyanobacteria (Vi khuẩn lam) dạng sợi xoắn màu xanh lục, chỉ có thể quan sát thấy hình xoắn sợi do nhiều tế bào đơn cấu tạo thành dưới kính hiển vi, và thường bị hiểu nhầm là dạng vi tảo.
Tảo xoắn Spirulina quan sát dưới kính hiển vi (Nguồn: happyskin)
Tảo xoắn (tảo spirulina) là loại tảo có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin, khoáng chất và sắc tố, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch không đặc hiệu, tăng trạng thái sẵn sàng phòng thủ tự nhiên của tôm. Đồng thời tảo xoắn cũng có khả năng phân hủy chất thải và xử lý môi trường khá mạnh mẽ
Tảo xoắn có rất nhiều lợi ích cho thủy sản, đặc biệt là cho nuôi tôm, cụ thể:
- Là nguồn thức ăn tự nhiên với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và phong phú.
- Cung cấp protein quan trọng cho thủy sản.
- Tăng cường miễn dịch nâng cao đề kháng.
- Giúp chống tình trạng tôm bị viêm loét.
- Giúp tăng cường miễn dịch và nâng cao thể trạng cho tôm.
- Phòng chống các bệnh đường ruột của tôm, cá.
- Giúp xử lý nước thải, cải thiện chất lượng môi trường nuôi.
Xem thêm Tảo xoắn (tảo spirulina) là gì? Lợi ích của tảo xoắn trong ao nuôi tôm
2.3. Cách gây màu tảo, tạo nền tảo lợi cho ao nuôi tôm
Các loại tảo trong ao nuôi tôm, đặc biệt là tảo lợi cũng cần có nguồn dinh dưỡng riêng để phát triển. Người nuôi tôm có thể tham khảo một số cách gây màu tảo, tạo nền tảo lợi cho ao nuôi tôm như sau:
- Gây màu nước bằng cám gạo, bột cá, bột đậu nành.
- Gây màu nước bằng mật rỉ đường, cám gạo, đậu nành.
- Gây màu nước bằng chất vô cơ.
- Gây màu nước bằng cách sử dụng một số sản phẩm tạo màu giả cho ao nuôi.
- Gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh.
3. Tảo độc trong ao nuôi tôm
3.1. Tảo độc trong ao nuôi tôm là gì?
Tảo độc là các loại tảo gây ra những tác động xấu (gây hại) đến các loài sinh vật sống cùng môi trường với chúng (các loài thủy sản như tôm, cá, …), hoặc gây hại đến các loài sinh vật tiếp xúc với chúng (các loài gia súc, gia cầm, ăn hoặc uống ở nguồn nước có chứa tảo độc).
Những tác động xấu mà tảo độc gây ra có thể là tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như:
- Tác động gây hại gián tiếp: hiện tượng tảo bùng phát mạnh mẽ (hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa có hại | Harmful Algae Blooms – HAB), chiếm không gian sống và cạnh tranh nguồn tài nguyên sống với các sinh vật thủy sản (như cạnh tranh ánh sáng, oxy, dinh dưỡng, …).
- Tác động gây hại trực tiếp: đa phần các loài tảo độc đều có khả năng tiết ra (hoặc chứa) các chất độc tương ứng. Khi các loài sinh vật khác ăn phải những loại tảo độc này thì sẽ bị nhiễm độc.
Hiện tượng nở hoa nước (water bloom) hay còn gọi là Thủy triều đỏ (red tide) là thuật ngữ chỉ sự nở hoa của các loài vi tảo. Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra do mật độ tế bào vi tảo gia tăng lên đến hàng triệu tế bào/lít làm biến đổi màu của nước biển từ xanh lục đậm, đỏ cho đến vàng xám. (Sở Tài Nguyên Môi Trường Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Đối với tôm nuôi, khi trong ao nuôi có tảo độc, tôm sẽ bị cạnh tranh oxy và một số loại dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của tảo độc trong ao nuôi tôm sẽ làm suy giảm chất lượng nước nuôi tôm, như vậy sẽ làm cho rất nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, khi tôm ăn phải tảo độc thì sẽ bị trúng độc, thường thì độc tố sẽ tấn công vào các bộ phận như gan tụy tôm và đường ruột tôm. Nếu nhẹ thì tôm sẽ bị các bệnh về gan và ruột, còn nặng thì có thể dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Xem thêm Tảo độc là gì? Tổng hợp các loại tảo độc và tác hại của tảo độc trong ao nuôi tôm
3.2. Tổng hợp các loại tảo độc trong ao nuôi tôm và tác hại của chúng
3.2.1. Tảo lam (vi khuẩn lam – Cyanobacteria)
Tảo lam còn được biết đến với cái tên vi khuẩn lam. Loại tảo này là loài thuỷ sinh và tự tạo thức ăn cho chính mình (sinh tự dưỡng). Thông thường, người ta dễ dàng tìm thấy tảo lam ở đa dạng các môi trường nước từ nước mặn, nước ngọt cho đến nước lợ.
Tảo lam khi quan sát trên kính hiển vi và thực tế
Tác hại của tảo lam gây ra trên tôm:
- Tảo lam rất dễ phát triển, mật độ tảo lam quá dày sẽ ngăn chặn ánh nắng mặt trời, ngăn cản khả năng quang hợp của nhiều loại tảo có lợi khác.
- Sự bùng phát mạnh mẽ của tảo lam (hiện tượng tảo nở hoa có hại – cyanobacterial – hay còn được được gọi là HAB hoặc CyanoHAB) dẫn đến tình trạng cạnh tranh nguồn tài nguyên trong ao nuôi tôm chẳng hạn như các chất dinh dưỡng hoặc oxy. Do tốc độ phát triển của tảo lam nhanh hơn của tôm rất nhiều nên lượng oxy trong ao nuôi tôm sẽ nhanh chóng bị sụt giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy.
- Sự sụt giảm nồng độ oxy nghiêm trọng sẽ làm các loại tảo khác hoặc sinh vật khác chết hàng loạt. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ các hợp chất độc hại như amoniac (khí độc NH3), nitrit (khí độc NO2) và hydro sunfua (khí độc H2S).
- Tảo nở hoa sẽ tạo chất nhờn dính vào mang tôm, ngăn cản quá trình hô hấp của tôm. Nghiêm trọng hơn là nếu tôm ăn phải sẽ khó tiêu hoá và và bị tảo lam tiết ra độc tố có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm trên tôm (như gan tụy, phân trắng).
- Tảo lam sản xuất ra nhiều độc tố gây độc hại tế bào thần kinh, gan, ruột tôm. Các độc tố được tiết ra từ tảo lam sẽ được chia thành ba nhóm, là nhóm độc tố hại gan (Hepatotoxins – Hepa nghĩa là gan), độc tố gây hại thần kinh (Neurotoxins – Neuro nghĩa là thần kinh) và độc tố gây hại cho tế bào (Cytotoxins – Cyto nghĩa là tế bào).
Xem thêm Tảo lam là gì? Cách xử lý tảo lam trong ao nuôi tôm
3.2.2. Tảo mắt (Euglenophyta)
Tảo mắt là một trong số những loài tảo độc, gây hại cho vụ tôm. Tảo mắt là sinh vật chỉ thị của môi trường nhiễm bẩn hữu cơ, chúng sống trong môi trường phú dưỡng. Tảo mắt chủ yếu phân bố ở các thủy vực nước ngọt, một số ít loài sống ở nước lợ mặn.
Tảo mắt (Nguồn: Biogency)
Tuy nhiên, trong các ao nuôi tôm cá khi đáy ao nhiễm bẩn thường tìm thấy một số loài như Euglena sp., Eutrepteilla sp., Phacus sp., Trachaelomonas sp.,… Các váng màu xanh, vàng, đỏ, nâu trong các ao tù thường là váng tảo mắt.
Tảo Mắt xuất hiện khi đáy ao nuôi bị nhiễm bẩn, chúng phát triển rất nhanh trong môi trường nhiều hữu cơ, khi tảo mắt chiếm ưu thế sẽ làm cho màu nước ao có màu nâu đen hoặc xanh đậm. Tảo Mắt có ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong ao, khi chúng chiếm ưu thế có thể làm tôm cá bị thiếu Oxy, gây ra hiện tượng nổi đầu, kéo đàn.
Sự xuất hiện của tảo mắt trong ao nuôi báo hiệu nền đáy ao bắt đầu nhiễm bẩn, trong nuôi thâm canh là do thức ăn dư thừa nhiều, với các mô hình ít cho ăn khi xuất hiện nhóm tảo này là do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc do nền đáy đã nhiễm bẩn từ trước.
Tảo mắt xuất hiện làm nước ao có màu nâu đen
(Nguồn: Biogency)
Trong điều kiện thuận lợi nhiều hữu cơ, tảo mắt tăng sinh khối rất nhanh ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong ao và làm nhiễm bẩn thêm môi trường nước ao. Khi tảo mắt phát triển với mật độ cao chiếm ưu thế trong ao nước sẽ có màu xanh rau má, một số trường hợp có màu nâu đen.
Vì tảo mắt là một loài tảo gây độc cho ao tôm, do đó, sự xuất hiện của chúng tạo ra những bất lợi:
- Tiết ra chất độc gây hoại tử gan tôm
- Cạnh tranh oxy với tôm
- Tảo tàn làm ô nhiễm nước ao. Chất lượng nước xấu và lượng oxy hòa tan giảm mạnh ảnh hưởng đến tôm.
- Ngoài ra, tôm ăn phải xác tảo tàn sẽ dễ gây ra các bệnh đường ruột cho tôm, làm tôm chậm lớn và ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.
Xem thêm Tảo mắt là gì? Cách xử lý tảo mắt trong ao nuôi tôm
3.2.3. Tảo giáp | Tảo đỏ (Pyrrophyta)
Một trong số những loài tảo độc nguy hiểm mà không thể xem nhẹ, đó chính là tảo giáp (hay còn gọi là tảo đỏ). Loài tảo này có dạng hình sợi, có roi và tồn tại chủ yếu ở dạng đơn bào. Nhờ có hệ thống tiên mao xung quanh cơ thể mà tảo giáp di chuyển rất nhanh.
Hình dạng tảo giáp dưới kính hiển vi (Nguồn: tepbac)
Một số loài tảo giáp thường gặp trong ao là Gymnodinium sp., Peridium sp., Ceratium sp., Protoperidinium sp., Alexandrium sp…. Nguyên nhân xuất hiện của tảo giáp thường là do:
- Tảo giáp đã tồn tại sẵn trong nguồn nước được lấy từ nguồn cấp bên ngoài. Khi đưa vào ao nuôi, gặp điều kiện môi trường thuận lợi, tảo giáp sẽ bùng phát nhanh chóng.
- Sự chênh lệch về hàm lượng giữa khoáng đa lượng và khoáng vi lượng, làm cho tổng hàm lượng khoáng trong ao nuôi bị mất cân bằng, đặc biệt là Phốt-pho.
- Nền đáy ao có sự tích tụ của các nguyên tố Phốt-pho, Ni-tơ dẫn đến ao bị ô nhiễm ở mức độ cao, là điều kiện thuận lợi cho tảo giáp bùng phát.
Nước ao nuôi có tảo giáp sẽ có xu hướng chuyển sang màu nâu đậm, thậm chí là nâu đỏ (Nguồn: Biogency)
Tác hại của tảo giáp lên tôm:
- Do đặc trưng về hình dạng của tảo giáp là chúng có gai và cơ thể khá góc cạnh, nên khi vào ruột tôm, lớp giáp (vách tế bào) cứng cáp của chúng sẽ bấm rất chặt vào thành ruột tôm, gây tắc nghẽn đường ruột và phá hủy đường ruột tôm (gây ra hiện tượng ruột đứt khúc).
- Khi tảo tàn (tảo giáp chết), xác của chúng sẽ gây ra một lượng rất lớn khí độc NH3, kéo theo sự gia tăng của khí độc NO2 làm cho tôm bị khí độc tấn công, gây ra các hiện tượng như tôm bơi lờ đờ, bỏ ăn, rớt cục thịt, …. Đồng thời, các yếu tố này cũng làm cho sự chênh lệch về chỉ số pH giữa ngày và đêm khá lớn, làm cho tôm bị stress.
- Khả năng hấp thụ oxy mạnh mẽ của tảo giáp làm cho tôm bị cạnh tranh oxy, dẫn tới nồng độ oxy hòa tan trong ao bị sụt giảm nghiêm trọng.
- Tảo giáp còn gây ra hiện tượng nước ao nuôi bị phát sáng, ảnh hưởng rất lớn đến tập tính sinh hoạt của tôm.
Xem thêm Tảo giáp là gì? Cách xử lý tảo giáp trong ao nuôi tôm
3.3. Cách xử lý tảo, cắt tảo độc cho ao nuôi tôm
Có thể xử lý các loại tảo trong ao nuôi tôm bằng các loại hóa chất hay nguyên vật liệu an toàn cho tôm, một số loại hóa chất và nguyên vật liệu được người nuôi áp dụng để cắt tảo, chẳng hạn như: BKC, TCCA, Đồng Sunfat (CuSO4) hay Vôi.
Xử lý tảo độc bằng hóa chất có ưu điểm là tiết kiệm chi phí và có hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là dễ làm sụp tảo, mất tảo nếu quá liều lượng quy định, tảo độc sẽ sớm phát triển trở lại do ao nuôi vẫn đang có rất nhiều chất dinh dưỡng dư thừa.
Bên cạnh đó, có thể cắt tảo bằng các phương pháp sinh học như:
- Nuôi tôm kết hợp với cá rô phi để xử lý tảo độc.
- Kiểm soát lượng thức ăn cho tôm, tránh để tình trạng dư thừa thức ăn.
- Xử lý tảo bằng vi sinh vật có lợi (men vi sinh) kết hợp với Enzyme.
4. Kết luận
Để phòng ngừa vấn đề các loại tảo độc phát triển, bà con nên quản lý cho tôm ăn tốt hơn để tránh thừa thức ăn tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao nuôi tôm phát triển quá mức.
Các loại tảo trong ao nuôi tôm cũng có lợi và hại khác nhau. Vì thế bà con cần phải thường xuyên theo dõi để thúc đẩy sự phát triển có lợi và ngăn ngừa những loại tảo có hại để đảm bảo tôm phát triển tốt và cho năng suất cao.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Hotline/Zalo: 08888 3 15 17 | Email: labvn.net@gmail.com
LabVN - Chuyên vật tư, dịch vụ và vi sinh thủy sản